Khi thành lập thương hiệu đồng hồ đầu tiên vào năm 1755 tại Geneva (Thuy Sĩ), chàng trai 24 tuổi Jean-Marc Vacheron không dám nghĩ những sản phẩm mình tạo ra sẽ nổi tiếng khắp toàn cầu. Thế nhưng, sau 263 năm tồn tại và phát triển, Vacheron Constantin không chỉ trở thành hãng đồng hồ hoạt động liên tục lâu đời nhất thế giới mà còn vị thế “tam thánh” (the Holy Trinity) trong ngành công nghiệp chế tác đồng hồ cao cấp trên toàn thế giới.
Giới mộ điệu vẫn ví von rằng, Vacheron Constantin là gã cựu vương huyền thoại, khởi nguyên của ngành chế tác đồng hồ cao cấp, bởi 263 năm qua, thương hiệu này vẫn kiên trì theo đuổi giấc mơ về những chiếc đồng hồ xa xỉ bậc nhất thế giới.
Khi mới ra đời, các sản phẩm do Jean-Marc Vacheron tạo ra chủ yếu phục vụ tầng lớp quý tộc hoặc những thương gia giàu có. Tới năm 1819, khi thương gia tài ba Francois Constantin gia nhập nhà Vacheron sau lời mời của Jacques Barthélémi Vacheron – cháu nội đời thứ nhất của người sáng lập, thương hiệu trở thành Vacheron Constantin và từ đó, mở ra một chương mới trong lịch sử – chinh phục những vị khách thượng lưu trên toàn thế giới. Trong giai đoạn từ năm 1810 đến 1845, Vacheron Constantin lần lượt mở cửa hàng tại Mỹ, Italy, Nga, Brazil, Cuba và Trung Quốc.
Để được ghi nhận là một “thương hiệu sản xuất đồng hồ” chân chính, những người sáng lập đã làm được điều mà nhiều ông lớn khác phải thán phục – tự biến bản thân thành một chiếc đồng hồ tỉ mỉ, cần mẫn và liên tục gõ nhịp trong mọi hoàn cảnh lịch sử.
Ngay từ khi mới thành lập, mọi hoạt động của Vacheron Constantin đều xoay quanh ba nền tảng về giá trị, đó là kỹ thuật chế tác đồng hồ xuất sắc, thẩm mỹ hài hòa và tinh tế kết hợp với hàm lượng thủ công và hoàn thiện cao. Ba nguyên tắc vàng này đã giúp “đứa con” của Jean-Marc Vacheron vượt qua những thử thách khắt khe từ Hội đồng thẩm định đồng hồ cao cấp quốc tế Hallmark of Geneva kể từ năm 1901.
Những rào cản và quy chuẩn chất lượng của hội đồng này vô tình tạo nên từng vạch mốc danh giá mà Vacheron Constantin lần lượt vượt qua. Để rồi, những tuyệt tác đong đếm thời gian của Jean-Marc với mặt số quay tròn, hệ thống lặp phút tinh xảo, bộ đếm Chronograph và lịch mặt trăng lần lượt được ra đời và nổi tiếng khắp thế giới, trở thành thước đo mẫu mực cho quy chuẩn chất lượng và thẩm mỹ cao cấp của nghề chơi đồng hồ vốn lắm công phu.
Đến tận bây giờ, Vacheron Constantin vẫn là thương hiệu đồng hồ duy nhất trên thế giới có chứng chỉ kiểm định chất lượng độc lập cho toàn bộ các sản phẩm từ Hội đồng thẩm định đồng hồ cao cấp quốc tế Hallmark of Geneva.
Giai đoạn 1914-1915, Vacheron Constantin tạo ra một bộ chuyển động mang tên “le tuyau”, dài 26mm và rộng tầm 6,5mm, dành riêng cho chiếc đồng hồ lắc tay được nhà vua xứ Patiala, Bhupinder Singh đặt cho phu nhân của mình. Chiếc đồng hồ được làm bằng vàng, nạm kim cương và chỉ người đeo mới có thể xem được thời gian.
Đến năm 1946, Vacheron Constantin đã chế tác thành công chiếc đồng hồ phức tạp nhất thế giới cho Farouk – con trai của Vua Ai Cập. Những người thợ lành nghề mất 5 năm để hoàn thiện kiệt tác bao gồm 14 chức năng phức tạp, cấu thành từ 820 chi tiết và 55 chân kính. Trong nhiều năm liền, chiếc đồng hồ đó luôn giữ danh hiệu phức tạp nhất thế giới, bảo chứng cho đẳng cấp của “nhà vua xứ Geneva”.
Đúng 260 năm ra đời, hãng tiếp tục nâng tầm độ phức tạp với sản phẩm mang số hiệu 57260. Theo đặt hàng của một vị khách bí mật, 3 người thợ bậc thầy làm việc 8 năm ròng, kết hợp bí quyết cổ điển với lối tư duy quyết đoán của thế kỷ 21, vượt mọi giới hạn để sáng tạo nên cỗ máy thời gian kết hợp 57 chức năng phức tạp. Con số chính xác không được tiết lộ, song Vacheron Constantin công nhận chiếc đồng hồ này có giá từ 8 đến 20 triệu USD.
Vacheron Constantin Reference 57260.
Thầm lặng trong hoạt động nhưng Vacheron Constantin luôn khiến thế giới phải ngỡ ngàng mỗi kỳ triển lãm đồng hồ SIHH dành cho những tên tuổi hàng đầu thế giới. Nhiều người liên tưởng thương hiệu xứ Geneva này như một loại giáo phái kỳ bí, không trực tiếp hiện hữu ở cuộc sống hàng ngày nhưng luôn khiến người ta ngưỡng mộ, đợi chờ.
Kể từ năm 1880, Vacheron Constantin bắt đầu sử dụng chữ thập Maltesse Cross để làm logo chính thức. Biểu tượng này vốn từng được những chiến binh “Thập Tự Chinh” tôn thờ và đem theo khi hành quân xẻ ngang thế giới, giờ đây lại được nhà Constantin liên hệ với một chi tiết trong ổ cót để cải biên thành logo chữ thập bí ẩn. Chi tiết này được sử dụng trong hầu hết các mẫu thiết kế khóa dây đồng hồ cũng như trên mặt số và núm chỉnh dây.
Tổng thống Mỹ Donald Jr. Trump và chiếc Historiques Ultra-Fine 1968.
Tồn tại qua hơn hai thế kỷ, Vacheron Constantin được xem là chứng nhân cho không ít sự kiện quan trọng trong lịch sử cận đại, từ việc tòa tháp Eiffel ra đời năm 1889 đến đường ray xe lửa đầu tiên trên thế giới được khánh thành tại Anh quốc vào năm 1825.
Uy tín về mặt tuổi đời khiến Vacheron trở thành một cái tên quyền lực, được nhiều chính trị gia, người nổi tiếng lựa chọn, tiêu biểu như Hoàng đế Pháp Napoleon Bonaparte, cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton, cựu Thủ tướng Italy Silvio Berlusconi… Ngay cả Tổng thống Mỹ Donald Jr. Trump cũng đeo chiếc Historiques Ultra-Fine 1968 trong thời gian tranh cử và cả lễ nhậm chức của mình vào năm 2017.
Bên cạnh đó, diễn viên Kate Bosworth, Nicolas Cage, Bruce Willis và Alexander Skarsgard hay siêu sao bóng rổ nhà nghề Ray Allen, rapper Rick Ross đều sắm cho mình những chiếc Vacheron Constantin yêu thích.
Từ thế kỷ XIX, nhiều chiếc đồng hồ Vacheron Constantin cũng được một số vị khách chịu chơi ở Việt Nam mua về. Lịch sử giao dịch kéo dài 263 năm của nhà Constantin đã đón nhận nhiều đơn đặt hàng được viết bằng thư tay tiếng Pháp bởi các khách hàng xứ Đông Dương.
Theo lưu trữ của hãng, ngày 6/9/1898, Chân Hoàn Long, Hương cả xã Bình Lập xưa – một người đam mê đồng hồ và đồ trang sức đã viết thư tới Vacheron Constantin đề nghị gửi catalogue giới thiệu các cỗ máy nhằm mục đích sửa đồng hồ đeo tay và đồng hồ treo tường. Ông nhấn mạnh rằng có nhiều khách hàng trong nước quan tâm đến thương hiệu.
Sự xa xỉ và đẳng cấp của thương hiệu này cũng được đưa vào nhiều chương mục của văn hóa đại chúng nhiều thời đại. Đó là chiếc Vacheron Constantin Historiques Americain từng xuất hiện trên cổ tay nhà đại tư bản Bretton James trong bộ phim Wall Streets Money Never Sleeps; góp mặt trong tác phẩm Deception của Hugh Jackman và Ewan McGregor hay nhiều tác phẩm văn học Trung Quốc như Sóng gió chính trường, Bảy năm vẫn ngoảnh về phương Bắc.
Bretton James đeo Historiques American 1921 trong bộ phim Wall Street: Money Never Sleeps.
Không phải ngẫu nhiên mà những chiếc đồng hồ của hãng lại được chọn làm món quà cho dịp đặc biệt. Thời điểm tặng phẩm được trao tới tay các nguyên thủ quốc gia cũng là năm thứ 200 Vacheron Constantin hoạt động không ngừng nghỉ. Nó chứa ẩn thông điệp về tình yêu con người, hòa bình, mong muốn sự thịnh vượng và phát triển trường tồn.
Suốt hơn 60 năm sau sự kiện đặc biệt này, Vacheron Constantin vẫn không ngừng phát triển và được tôn vinh là ông vua của làng đồng hồ xa xỉ trên thế giới.