Ngoài việc là một trong những loài chim đẹp đẽ và kiêu hãnh nhất thì bạn có biết rằng đại bàng núi cũng có sức sống mãnh liệt vào hạng nhất, nhì trong số các loài lông vũ? Tuổi thọ của chim đại bàng núi có thể đạt được tới mốc 70 năm nhờ vào một quá trình tái sinh mãnh liệt vào mùa xuân thứ 40, khi mà mỏ của chúng đã cùn vẹt, còn móng vuốt thì trở nên vô dụng.
Đại bàng núi khi đó sẽ bay lên một mỏm đá cao, tự gõ mỏ vào đá tới khi rụng gãy. Trải qua đau đớn, mỏ mới của đại bàng sẽ mọc ra, sau đó chúng sẽ tự rút móng và lông, nằm im trong nhiều ngày để đợi lông và móng mới mọc ra. Nhờ có cơ thể mới tái sinh, loài chim này sẽ có thể sống thêm 30 năm tự do tung hoành giữa bầu trời – cũng như cái cách mà một thương hiệu cao cấp vùng Veneto, Italia tự thay đổi để vượt ra khỏi những bế tắc đeo bám suốt một thời gian dài cách đây 17 năm.
Thương hiệu được nhắc đến ở đây chính là Bottega Veneta – ông trùm của những chiếc túi không logo cao cấp nhất thế giới.
Vào năm 1966, tại Veneto, Italy, hai người thợ thủ công lành nghề chế tác da thành lập nên Bottega Veneta – nền móng của một trong những đế chế thời trang nổi bật nhất ở thời điểm hiện tại. Bottega Veneta – tạm dịch là xưởng thủ công vùng Veneto, nơi chế tác túi xách và phụ kiện bằng da. Trong 35 năm kế tiếp đó, Bottega Veneta đã kịp vươn lên trở thành cánh chim kiêu hãnh xứ Veneto, cung ứng xa xỉ phẩm ra khắp thế giới để rồi dần lụi tàn với sự ra đi của hai người khởi tạo thương hiệu vào năm 1966. Có lẽ, Bottega Veneta đã đi vào ngõ cụt, nếu như không có sự xuất hiện đúng người – đúng thời điểm của người đàn ông tên Tomas Maier.
TOMAS MAIER – ĐẤNG SÁNG TẠO MANG HỒN “NGƯỜI MUÔN NĂM CŨ”
Vào năm 1999, Tomas Maier đã rời khỏi Pháp, bỏ lại sau lưng công danh và những hợp đồng béo bở mà bản thân đã dày công gây dựng. Giám đốc sáng tạo đương thời của Gucci và YSL – Tom Ford – đã bổ nhiệm Maier vào vị trí Giám đốc Sáng tạo của Bottega Veneta với hy vọng ông có thể chấn hưng nhà mốt đẳng cấp một thời này.
Người ta nói thời thế tạo anh hùng, và Tomas Maier chính là người hùng mà Bottega Veneta cần để thay da, đổi thịt. Mỗi nhà mốt khi ra đời đều nổi tiếng vì những giá trị nguyên bản, thế nhưng theo thời gian, đôi khi giá trị nguyên bản ban đầu của thương hiệu bị mai một đi. Bottega Veneta đã phạm phải sai lầm này, và Tomas Maier đã được ngài Ford bổ nhiệm để cứu vãn thương hiệu đình đám một thời với sự tin tưởng tuyệt đối từ người đồng sự xứ Pforzheim.
Thực ra, cái cách mà Tomas Maier, hay sau này là Anthony Vaccarrelo và Alessandro Michele phục sinh Saint Laurent cùng Gucci không có quá nhiều khác biệt. Giá trị nguyên bản đã bị đánh mất? Vậy ta chỉ cần làm nó sống lại trong một hình hài đẹp đẽ hơn. Tomas Maier đặc biệt yêu thích cái cách mà những sản phẩm thủ công xứ Veneto từng được tạo ra, ông quan tâm tới chất liệu và những phương pháp chế tác độc nhất vô nhị chỉ có thể được tìm thấy tại vùng đất thơ mộng này. Có thể nói, phương hướng điều hành thương hiệu Bottega Veneta của Maier không nằm ngoài bốn gạch đầu dòng đã khởi sinh ra đẳng cấp vượt thời gian của Bottega Veneta, đó là:
- Nguyên liệu cao cấp nhất
- Kỹ thuật chế tác công phu nhất
- Giá trị sử dụng cao nhất
- Thiết kế có tuổi đời cao nhất
Vào giữa thời điểm thập niên 2000, khi mà thời trang hơn thua nhau tại xu hướng, các nhà mốt lớn đua nhau đi tìm những nguồn cảm hứng lạ lùng và dị biệt (mà bộ sưu tập Graffiti của Louis Vuitton là một ví dụ sáng chói) thì Bottega Veneta lại chọn cách duy trì và phát triển thương hiệu đi ngược lại với xu thế. Thay vì tạo ra những sản phẩm khiến người dùng mua về để thể hiện đẳng cấp với số đông, Bottega Veneta đã vận dụng bốn gạch đầu dòng của mình để tạo ra những sản phẩm tôn vinh chính phong cách của người sử dụng. Dưới bàn tay của Tomas Maier, nhà mốt Bottega Veneta không chạy theo xu hướng, khách hàng của Bottega Veneta do đó cũng trở thành những người tự định hình nên phong cách ăn mặc của mình.
Vì đơn giản, đồ của Bottega Veneta không có khái niệm “lỗi thời”.
INTRECCIATO – THANH ÂM CÂM LẶNG NHƯNG ĐẸP ĐẼ
Mỗi thương hiệu thời trang cao cấp có cách phát triển khác nhau, nhưng tựu chung đều chọn một con đường mang tính thương hiệu để làm nổi bật bản thân mình giữa những giá trị tương đồng mà đối thủ có thể mang lại. Ở Bottega Veneta, thứ làm nên tên tuổi của nhà mốt chính là dòng motto “When your own initials are enough” (Chỉ cần tên viết tắt của bạn là đủ) – lời tuyên bố rằng thương hiệu này sẽ làm hết mình để tôn vinh khách hàng. Tuy nhiên vào thời điểm đó, những chiếc túi của Bottega Veneta vẫn có logo nho nhỏ, tinh tế. Tới thời đại của Tomas Maier, ông đã làm điều mà chưa một thương hiệu nào dám làm trước đó: cho logo của nhà mốt vào… xó bếp.
Có sai trái không khi phát triển một thương hiệu mà không quảng bá cho logo của chính nó? Câu trả lời là một tràng cười ngạo nghễ từ Tomas Maier – kẻ nào lại cần logo khi mà họ đã có Intrecciato? Bottega Veneta nói là khẳng định tên tuổi bằng chất lượng sản phẩm, thực ra ghi điểm chủ yếu bằng kỹ thuật làm da có một không hai cộp mác của hãng. Intrecciato là phương pháp đan các dải da mảnh (fettuccia) trên một mảng da lớn, khiến cho bề mặt da có được độ cứng cáp và bền bỉ vượt thời gian. Đồng thời, phương pháp này tạo cho túi của Bottega Veneta có một hình thái đặc trưng, khiến các tín đồ của Bottega Veneta nói chung và thời trang cao cấp nói riêng “chỉ nhìn đã thấy người quen”. Dần dà, kỹ thuật đan da Intrecciato được Maier phát triển thành một quy ước thời trang ngầm, giúp người mua hàng không cần đến những logo hào nhoáng vẫn có thể nhớ đến những chiếc túi được thiết kế cầu kỷ, tỉ mẩn hay dòng ví Knot giản đơn nhưng sang trọng cộp mác nhà BV. Intrecciato góp phần hoàn thiện slogan nguyên bản của Bottega Veneta, giúp nhà mốt này lấy lại giá trị căn bản của mình: “đẳng cấp” và “chất lượng”.
Công cuộc chấn hưng của Tomas Maier thành công bước đầu khi ông định nghĩa lại cuộc chơi của Veneta, và từ Veneta, Tomas tạo ra “Vendetta” – “phục hận”. Nói thì có vẻ gay gắt, kỳ thực Maier chỉ đơn giản là duy trì thiết kế và kỹ thuật chế tác da vượt thời gian của mình, đồng thời qua mỗi mùa, từng chiếc Knot, The Lauren 1980, Umbria hay Darling lại được biến tấu với các phiên bản mới và giữ lại giá trị nguyên bản của nhà mốt.
VÀ KẾT QUẢ LÀ…?
Vào năm 2015, Bottega Veneta âm thầm đóng góp 1,3 tỷ Euro, chiếm 16% tổng doanh thu của Tập đoàn Kering. Tới năm 2017, nhà mốt này tiếp tục mức doanh thu ấn tượng 1,176 tỷ Euro, mở rộng tới hơn 270 cửa hàng trên khắp thế giới. Cuộc cách mạng “không logo” của Bottega Veneta đã mở đầu trào lưu tối giản những chi tiết hào nhoáng, khoe khoang vốn là bệnh chung của nhiều thương hiệu xa xỉ. Vào tháng 3 năm 2015, chuyên trang Business Insider đánh giá Bottega Veneta là thương hiệu đặc biệt xa xỉ và đáng mơ ước. Công cuộc tái sinh của Bottega Veneta đã thành công tốt đẹp, mở đường cho thương hiệu này tiến vào cuộc chơi mới mang tên “thay đổi”, dẫu cho sự thay đổi đó có dẫn tới ít nhiều tiếc nuối khi mà vào ngày 13 tháng 6 vừa qua, Tomas Maier – người thuyền trưởng lèo lái suốt 17 năm – đã ra đi, để lại những thách thức mới cho nhà mốt Bottega Veneta.
Và bất chấp tất cả, cánh chim kiêu hãnh xứ Veneta lại khởi sinh thêm một lần nữa!
VENETA 2.0 – KỶ NGUYÊN MỚI CỦA DANIEL LEE
Đẳng cấp có thể là mãi mãi, nhưng đỉnh cao đòi hỏi sự thay đổi hợp thời thế. Bài học nhãn tiền từ Gucci – thương hiệu từng mất 13 năm dưới thời Frida Giannini để chạy theo chính Bottega Veneta – đã thể hiện rõ ràng rằng không có thứ quyền lực thương hiệu nào luôn đứng trên đỉnh. Bottega Veneta cũng cần phải thay đổi, chính Tomas Maier và Giám đốc Marketing Lisa Pomerantz đã mở rộng cánh cửa để đón chào cơn gió mới mang tên Bottega Veneta 3.0. Điều này lại càng có ý nghĩa hơn khi mà mới đây, Daniel Lee, một cái tên trẻ trung tới bất ngờ đã tiếp quản ngai vàng của Tomas Maier.
Phát súng khai màn Bottega Veneta 2.0 cũng táo bạo chẳng kém khi nhà mốt khai trương cửa hàng lớn nhất thế giới của mình tại Đại lộ Mandison, New York – thành phố của những giấc mơ vĩ đại. Nội việc chuyển show diễn thời trang Xuân Hè 2018 (với một campaign, trùng hợp thay, mang tên Rebirth) từ địa điểm cổ truyền Milan, trong lòng một nhà hát sang trọng và cổ điển như thường lệ tới tòa nhà American Stock Exchange đã thể hiện tham vọng của BV Home khi mở rộng tập khách hàng ra ngoài giới thượng lưu, quý tộc. Màn trình diễn này đã đưa đến không gian siêu thực với đầy đủ kiến trúc thô mộc của một căn hộ New York. Nội thất tối giản tôn lên những người mẫu kiêu kỳ mang trên mình những thiết kế được cả thế giới thèm muốn của Bottega Veneta, đưa thương hiệu đến gần hơn với đời thường, gần hơn với nhịp điệu vội vã của cuộc sống, thế nhưng vẫn rất lãng mạn và đẳng cấp với từng mảnh da đan theo phong cách Intrecciato.
Bản thân cái tên Daniel Lee cũng là một nhân tố tiềm năng khi rời Céline để sang Bottega Veneta. Céline đã luôn nổi tiếng với những chiếc túi da có chất lượng đỉnh cao (một cách nào đó có thể coi là đối trọng của BV); việc một người có thâm niên trong đội ngũ thiết kế của Céline về với Bottega Veneta không khác gì thêm cánh cho cọp, đặt nhà mốt xứ Veneta lên một tầm cạnh tranh mới. Và điều quan trọng nhất, Daniel Lee rất trẻ. Daniel Lee chính là con át chủ bài cuối cùng hoàn thiện chiến lược “trẻ hóa” các dòng sản phẩm trứ danh của Bottega Veneta để thực sự đưa nhà mốt này tới gần hơn với hơi thở của cuộc sống.
Vậy Bottega Veneta sẽ đi đâu, về đâu? Tương lai của nhà mốt này trong kỷ nguyên 2.0 sẽ ra sao? Tất cả, xin hãy cùng hạ hồi phân giải!