Tìm kiếm
Close this search box.
EN

Đồng hồ điểm chuông: Tiếng vọng của thời gian

Với các nhà sưu tập đồng hồ, không cơ chế phức tạp nào có thể so sánh với cơ chế điểm chuông theo phút (minute repeater). Thậm chí theo một cách nào đó, hoàn toàn không ngoa khi nói: Đồng hồ điểm chuông – đặc biệt thuộc về các thương hiệu như Patek Philippe hay Vacheron Constantin – là cột mốc cuối cùng mà các nhà sưu tập đồng hồ hướng đến. Đó không chỉ là một thiết bị đo đếm giờ mà đã trở thành một kiệt tác cơ khí chính xác…

Đồng hồ điểm chuông đã ra đời như thế nào?

Xưa tận là xưa, có lẽ phải từ tận cái thời những chiếc đồng hồ treo tường, để bàn, hay để góc nhà là những công cụ duy nhất có khả năng mang lại cho con người các ý niệm về thời gian, việc “xem giờ” đã tồn tại ở dạng “nghe.” Nói vậy bởi từ những chiếc đồng hồ nước phức tạp của người Hy Lạp và người Rome cổ đại tới chiếc đồng hồ thiên văn khổng lồ của Su Song (Trung Quốc, đã được hoàn thiện vào năm 1088) và tới cả những chiếc tháp đồng hồ thời Phục Hưng trong các tu viện, đánh-chuông-điểm-giờ vẫn luôn là cách  phổ biến để một chiếc đồng hồ thông báo với mọi người về giờ giấc.

Vì vậy, hiện nay chẳng thiếu những người am hiểu đồng hồ gọi đồng-hồ-điểm-chuông là “đồng-hồ-để-bàn-đeo-tay” hay “clock-watch.” Thậm chí, theo một tạp chí chuyên trách về đồng hồ, sự ra đời của dòng đồng hồ để bàn đeo tay này đã bắt đầu từ việc các nhà chế tác phát hiện tháp chuông đồng hồ có thể cho phép người ta biết giờ ngay cả khi không (hoặc không có khả năng) nhìn vào đồng hồ do tối trời hoặc do bị tật nguyền.

Thực ra gần như tất cả những chiếc đồng hồ đầu tiên đều có thể đánh chuông. Vào cuối thế kỷ 15 và đầu thế kỷ 16, những chiếc đồng hồ để bàn đánh chuông báo giờ (hour-striking clock) và những chiếc đồng hồ báo thức (alarm watch) đã xuất hiện lần đầu tiên. Phải nói rằng trước khi có đèn điện, và đặc biệt là diêm an toàn, những chiếc đồng hồ đánh chuông theo cách này rất có ích với những người muốn biết giờ vào ban đêm. Tuy nhiên, những tiện nghi này có vẻ không còn phù hợp bởi độ chính xác không cao khi chỉ có thể điểm chuông báo giờ theo giờ. Bên cạnh đó là vô vàn những bất tiện khác như khả năng đếm nhầm tiếng chuông và việc sẽ phải chờ đợi để đếm lại.

Theo các ghi chép, vào thế kỷ 17 ở Anh đã xuất hiện hai nhà phát minh thiên tài. Một người là một tu sỹ có tên là Edward Barlow, người kia là nhà chế tác đồng hồ nổi tiếng Daniel Quare. Hai người này gần như đã cùng lúc phát minh ra cơ chế lặp lại – “repeating” và đều đăng ký bằng sáng chế. Tuy nhiên tới năm 1687, vua James II đã trao bằng sáng chế cho Quare. Đơn giản vì phát minh của Quare thực tiễn và hiệu quả hơn so với phát minh của Barlow. Trong khi phát minh của Barlow đòi hỏi hai bộ phận ấn nút để vận hành (một để báo giờ và một để báo ¼ giờ) thì phát minh của Quare chỉ cần một bộ phận để điểm chuông cho cả báo giờ lẫn báo 1/4 giờ. Sự khác biệt này đã quá rõ!

Tuy nhiên, từ đồng hồ đánh chuông báo giờ đến đồng hồ điểm chuông báo giờ chính xác tới đơn vị phút vẫn còn là một chặng đường rất dài. Năm 1710, Samuel Watson khiến thế giới chấn động với việc giới thiệu cơ chế đánh chuông báo giờ có độ chính xác tới 5 phút. Trước đó những chiếc đồng hồ đánh chuông thường có sai số cả 15 phút. Nhưng đó chưa phải là mức cuối! 31 năm sau, năm 1741, một người Pháp có tên là Antonie Thiout đã khiến thế giới phải ngỡ ngàng thêm lần nữa khi giới thiệu cơ chế đánh chuông báo giờ chính xác tới từng phút. Cuộc đua về cơ chế đánh chuông lúc này tạm dừng lại ở đây. Và đột nhiên lần đầu tiên trong vòng hơn 50 năm, người ta dừng lại để đặt câu hỏi: “ Cỗ máy hoạt động tương ứng với cơ chế này sẽ trông thế nào nhỉ?”.

Có lẽ tất cả các nghiên cứu, bằng sáng chế trên sẽ là con số “0” nếu không có phát minh của nhà nghiên cứu và chế tác đồng hồ Thomas Mudge. Để “nghe” thời gian từ chiếc đồng hồ đánh chuông báo giờ, một người sẽ ấn vào một lẫy trượt (được phát minh bởi Thomas Mudge) được lắp trên đai của vỏ đồng hồ. Chiếc lẫy trượt này sẽ lập tức khiến cho cơ chế đánh chuông phải hoạt động, đánh vào các chiêng nhỏ – các gong – bên trong.

Thông thường một chiếc đồng hồ điểm chuông báo giờ chính xác tới đơn vị phút có hai chiếc chiêng. Một chiếc có âm vực cao và một chiếc có âm vực thấp. Chẳng hạn với thời gian 2:35, đồng hồ sẽ đánh hai tiếng chuông có âm vực cao – đinh, đinh. (Mỗi lần đinh được coi là một giờ.) Kế đó là 2 hợp âm của âm vực cao kết hợp với âm vực thấp – đinh đoong và đinh đoong. (Mỗi lần đinh đong được tính là 15 phút.) Cuối cùng là đinh, đinh, đinh, đinh, đinh – cả thảy 5 tiếng. (Mỗi tiếng đinh được coi như một phút).

Đồng hồ điểm chuông: Tiếng vọng của thời gian 1

Patek Philippe 5531R

Sự mê hoặc của đồng hồ điểm chuông của Patek Philippe

Hoàn toàn không ngoa khi nói rằng, đồng hồ với cơ chế điểm chuông (striking watch) và đồng hồ điểm chuông phút lặp (minute repeater) là một trong ba thế mạnh trụ cột của Patek Philippe.  Thực tế, có thể nói rằng trong lịch sử ngành chế tác những cỗ máy đếm giờ, Patek Philippe là thương hiệu tiên phong đưa cơ chế điểm chuông vào những chiếc đồng hồ của mình. Những chiếc đồng hồ điểm chuông đầu tiên của Patek Philippe đã được giới thiệu với giới mộ điệu từ năm 1845 khi mà các thương hiệu đồng hồ khác đang mải mê theo đuổi các tính năng khác như chronograph, lịch năm (annual calendar), lịch vạn niên (perpetual calendar) và tourbillon…

Chính những điều này đã đưa đồng hồ điểm chuông Patek Philippe lên vị thế “chén thánh” của các nhà sưu tập – chứ không phải bất kỳ mẫu đồng hồ của bất kỳ thương hiệu nào khác. Các phiên “bid” (đấu giá) phá vỡ các kỷ lục của đồng hồ Patek Philippe điểm chuông, Refs. 3939A, 5016A, và 5208T vào các năm 2011, 2015, và 2017 là những bằng chứng rõ nét nhất về điều này. Hay ấn tượng nhất, phải kể đến chiếc đồng hồ điểm chuông Henry Graves được đấu giá tới 24 triệu franc Thụy Sỹ vào năm 2014. Vậy nên, nếu bạn hỏi những nhà sưu tập sành sỏi – những connoisseur đích thực – mẫu đồng hồ đầu tiên và mẫu đồng hồ cuối cùng họ muốn sở hữu, đó đều phải là một chiếc Patek Philippe điểm chuông.

Nhưng để làm được điều này hoàn toàn không phải là điều dễ dàng. Nó đòi hỏi các thương hiệu những nguồn lực khổng lồ và một sự theo đuổi trong đầu tư nghiên cứu và tài trợ nghiên cứu cho các nhà chế tác đồng hồ độc lập. Hiện nay, tại Thụy Sỹ chỉ có khoảng 5-6 maison có thể làm ra đồng hồ điểm chuông hoạt động bền bỉ. Patek Philippe tự hào là thương hiệu dẫn đầu trong nhóm các nhà sản xuất đồng hồ điểm chuông này. Theo Laurent Junod, Giám đốc kỹ thuật của Patek Philippe, số lượng nghệ nhân có thể làm ra những chiếc đồng hồ điểm chuông của cả Thụy Sỹ chỉ có khoảng 50 người. Trong đó, số người làm việc cho Patek Philippe đã chiếm khoảng 1/3 (15 người).

Đồng hồ điểm chuông: Tiếng vọng của thời gian 3

Sự chính xác của các thanh âm mê hoặc

Không phải tự nhiên chiếc đồng hồ điểm chuông mà Brad Pitt dành tặng cho Angelina Jolie (khi hai người còn đang tay trong tay) là một chiếc đồng hồ Patek Philippe. Đây cũng là mẫu đồng hồ điểm chuông dành cho nữ đầu tiên trên thế giới. Báo chí khi đó miêu tả rằng, tiếng chuông đồng hồ giống như tiếng chuông của Tháp Big Ben ở London.

Hãy gọi một chiếc đồng hồ điểm chuông của Patek Philippe là một kiệt tác của cả thế giới đồng hồ lẫn thế giới của các thiết bị âm học. Với một chiếc đồng hồ điểm chuông, thách thức không chỉ nằm ở khả năng đo đếm giờ chính xác, khả năng chống sốc, độ bền của máy, mà quan trọng nhất là độ trong trẻo của các thanh âm. Điều này không chỉ đòi hỏi những nghiên cứu về mối quan hệ giữa chất liệu và kích thước của hammer (búa gõ) và gong (chiêng) mà còn cả những nghiên cứu về chất liệu vỏ case của đồng hồ. Thông thường, trong một chiếc đồng hồ điểm chuông của Patek Philippe, các gong thường được đặt thành hình tam giác trong một kết cấu bằng thép với đường kính từ 0,48 tới 0,6mm. Với đồng hồ Patek Philippe, thông thường các gong sẽ được gắn một bộ phận gắn với máy, nhưng mẫu 5531R thì các gong được gắn vào vành của vỏ case đồng hồ.

Một thách thức không hề nhỏ với những chiếc đồng hồ điểm chuông của Patek Philippe là dù được làm từ những chất liệu khác nhau nhưng những chiếc đồng hồ này đều phải có chung một âm điệu chuẩn xác như âm điệu mà Chủ tịch của Patek Philippe Thierry Stern đã ấn định trước đó. Trong đó, âm vực của gong có thể lên tới 60 decibel, cho phép gong ngân ở mức cao nhất là trong suốt 18 giây. Tính ra trung bình, một chiếc đồng hồ điểm chuông của Patek Philippe cần tới từ 200-300 giờ để thực hiện. Đồng hồ được thực hiện hoàn toàn đơn chiếc bởi một người thợ duy nhất. Đồng hồ sẽ không được phép xuất xưởng nếu không trải qua hai bước kiểm tra quan trọng là kiểm tra tiếng chuông bởi một bộ phận chuyên trách, và cuối cùng là bởi chính chủ tịch của Patek Philippe, ông Thierry Stern!

Đồng hồ điểm chuông của Vacheron Constantin: Tuyệt tác nơi cổ tay

Ở trên, chúng tôi có đề cập tới 5-6 thương hiệu đồng hồ danh tiếng của Thụy Sỹ có thể thực hiện những chiếc đồng hồ điểm chuông. Thương hiệu hàng đầu là Patek Philippe, thương hiệu thứ 2 tất nhiên phải là Vacheron Constantin – một cái tên cũng nằm trong bộ Tam Thần Thánh (Holy Trinity). Thực tế, Vacheron Constantin cũng có một lịch sử chế tác đồng hồ điểm chuông bỏ túi lâu đời không thua kém bất kỳ thương hiệu nào. Đồng hồ điểm chuông đầu tiên của Vacheron Constantin được giới thiệu từ những năm 1806. Hãng đi tiên phong trong việc đặt ra những cột mốc thách thức những cái tên danh tiếng nhất của ngành chế tác đồng hồ như đồng hồ điểm chuông siêu mỏng vào năm 1941. Tới năm 1992, Vacheron Constantin ra mắt bộ máy chuyển động điểm chuông mỏng nhất thế giới đầu tiên. Tới năm 2013, hãng một lần nữa lập kỷ lục khi giới thiệu mẫu đồng hồ điểm chuông với độ dày chỉ 8.09mm: Vacheron Constantin Patrimony Contemporaine Ultra-Thin Calibre 1731. Đây là chiếc đồng hồ điểm chuông với bộ chuyển động mỏng nhất thế giới, và là chiếc đồng hồ mỏng thứ 5 thế giới (bao gồm cả các mẫu không có cơ chế phức tạp).

Đây là một bộ sưu tập thể hiện hết các kỹ thuật đỉnh cao của thương hiệu đồng hồ 260 năm tuổi. Các kỹ thuật được sử dụng gồm có kỹ thuật chạm khắc, kỹ thuật tạo hình tiểu họa champlevé technique. Được biết riêng mặt số của đồng hồ cần tới không dưới 60 giờ để thực hiện. Để thực hiện, đầu tiên, người thợ sẽ điêu khắc thủ công trên mặt số bằng vàng nguyên khối để tạo ra các vách ngăn, phân chia tỷ lệ các họa tiết rõ ràng. Tiếp sau đó là quá trình tráng men và nung nhiệt. Trung bình một mặt số bao gồm ít nhất từ 12- 15 lớp men nung để tạo ra những sắc màu tùy ý. Thách thức ở đây là khả năng khống lửa để đảm bảo các lớp men không bị nứt vỡ hay non màu. Mỗi lớp màu lại đòi hỏi mức nhiệt độ khác nhau.

Đồng hồ điểm chuông: Tiếng vọng của thời gian 7

Nhưng đó chỉ mới là “face value” của bộ sưu tập này. Bên dưới mặt số vô cùng cầu kỳ là những thách thức lớn hơn. Hãy nghĩ tới một cỗ máy được cấu thành bởi hơn 471 chi tiết, với những chi tiết nhỏ và mảnh nhất có thể so sánh với độ dày của sợi tóc. Tất cả sẽ cùng nhau hoạt động, tạo thành một cỗ máy với mức dự trữ năng lượng 58 giờ, tần số dao động 2,5Hz. Còn về cơ chế “điểm chuông đếm giờ” của bộ sưu tập “Tứ Quý” này? Không chỉ dừng lại ở giới hạn thông báo giờ chính xác tới mức độ phút bằng những thanh âm đing đoong kiều diễm, Vacheron Constantin còn đảm bảo thanh âm điểm chuông của mỗi chiếc đồng hồ đều là đặc biệt và là duy nhất trên thế giới. Hãng cũng “đặt hàng” Abbey Road Studios ghi lại các thanh âm của mỗi mẫu đồng hồ trong bộ sưu tập này. Abbey Road Studios như chúng ta đều biết là phòng thu âm với độ chuẩn xác số một thế giới – đơn vị đã cùng tạo ra những bản nhạc để đời với những cái tên như The Beatles, Adele và Oasis.