Tamson

HÀNH TRÌNH KIẾM TÌM TINH THẦN THANH LỊCH – LỊCH SỬ NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ PIAGET (KỲ ĐẦU)

HÀNH TRÌNH KIẾM TÌM TINH THẦN THANH LỊCH

LỊCH SỬ NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ PIAGET (KỲ ĐẦU)

Trong suốt chiều dài lịch sử chế tác đồng hồ đeo tay của mình, các nghệ nhân Piaget luôn theo đuổi một mục đích tối thượng: dùng những kỹ thuật cao cấp nhất để nắm bắt sự thanh lịch, và gói gọn tinh thần đó đặt lên cổ tay của những thành viên “Piaget Society”

HÀNH TRÌNH KIẾM TÌM TINH THẦN THANH LỊCH - LỊCH SỬ NHỮNG CHIẾC ĐỒNG HỒ PIAGET (KỲ ĐẦU) 1
Có thể thấy được, trong suốt một thế kỷ vừa qua, các thương hiệu đồng hồ đã có xu hướng chuyên môn hoá. Trong lĩnh vực chế tác đồng hồ, có hai tiêu chuẩn chính: thẩm mỹ và cơ khí. Các thương hiệu thường sẽ tập trung sự chú ý nhiều hơn vào một trong hai yếu tố, và chỉ có một số rất ít mới lựa chọn thử thách khó khăn – thực hiện cả hai tiêu chuẩn với mức độ hoàn hảo tương đương nhau. Trong số ít ỏi những cái tên lựa chọn con đường đầy trắc trở này có thể bắt gặp “tam thánh” của ngành đồng hồ Thuỵ Sỹ, hay một số nghệ nhân độc lập như F.P.Journe; và dĩ nhiên, có một cái tên vẫn luôn được nhắc tới, ngay cả theo tiêu chuẩn của những tín đồ đồng hồ khắt khe nhất: Piaget.

Nhà chế tác đồng hồ và trang sức lâu đời này được thành lập vào năm 1874 tại La Côte-aux-Fées, đôi khi vẫn bị gọi nhầm là một thương hiệu kim hoàn sản xuất đồng hồ (trên thực tế, bộ sưu tập nhẫn Possession mới chỉ ra mắt vào năm 1990). Tuy nhiên, lịch sử đã cho ta thấy rằng Piaget hoàn toàn xứng đáng đứng trong hàng ngũ những thương hiệu có nhiều thành tựu về kỹ thuật nhất, song song với khả năng thiết kế tài tình. Thực tế, chính vì họ chấp nhận thách thức chế tác những chiếc đồng hồ siêu mỏng, dẫn đến những thiết kế của họ đã dần đi theo một quỹ đạo thanh lịch.

Nhiều lúc khoa trương, đôi khi khắc kỷ, nhưng – theo cách nói của Jean-Claude Gueit – luôn có “một chút điên rồ”, đồng hồ Piaget vào thập niên 1960 đồng nghĩa với tinh thần khai phóng trong thẩm mỹ. Trong bài viết này, chúng tôi sẽ phần nào phác thảo ảnh hưởng của quá trình phát triển những bộ máy siêu mỏng đối với sự sáng tạo trong thiết kế đồng hồ tại Piaget (khoảng giữa những năm 1960 – 1990). Chúng tôi cũng đã tham khảo bộ phận di sản của thương hiệu để có thể hiểu rõ hơn về lịch sử độc đáo của mối quan hệ giữa những sáng tạo quan trọng nhất của hãng với các nhà sưu tập với phong cách đặc biệt, thường được gọi với cái tên “Piaget Society”.

BỘ CHUYỂN ĐỘNG SIÊU MỎNG:
THÀNH TRÌ VỮNG CHÃI CỦA PIAGET TRONG THẾ GIỚI
CHẾ TÁC ĐỒNG HỒ CAO CẤP

Trong lịch sử của nhiều thương hiệu đồng hồ lâu đời, Piaget xuất hiện như nhà cung cấp các bộ máy cơ học hoàn chỉnh cho một loạt thương hiệu, bao gồm Cartier, Rolex, Vulcain và Ulysse Nardin. Bước đột phá đáng chú ý đầu tiên của họ vào lĩnh vực mà ngày nay ta thường gọi là “sản xuất đồng hồ in-house” bắt đầu năm 1945, khi gia chủ đời thứ hai – Timothée Piaget – thành lập một xưởng sản xuất ở La Côte-aux-Fées, tập trung 150 nhân viên và phần lớn hoạt động của thương hiệu. Sự mở rộng đó cho phép các con trai ông – Gerald và Valentin – nuôi dưỡng và phát triển kỹ thuật chuyên môn của thương hiệu trong hai thập kỷ tiếp theo, tạo ra tiền đề cho sự ra đời của các bộ máy 9P và 12P – “mẹ” và “cha” của những chiếc đồng hồ cơ học mang tên Piaget.
Valentin đã phát triển đồng thời bộ chuyển động 9P và 12P, với mẫu đầu tiên (một bộ chuyển động lên cót tay) đóng vai trò như nền tảng cho mẫu thứ hai – cao cấp hơn – một bộ máy lên cót tự động. Khi nó lần đầu được ra mắt vào năm 1957, mẫu 9P ghi dấu ấn với độ dày chỉ 2mm, cực kỳ mảnh mai: chỉ dày hơn một chút so với đồng 10 xu. Tiền tố “9” cũng là một tham chiếu chéo đến đường kính của mặt số mà bộ máy này có thể đáp ứng: bất kỳ thứ gì, kể cả kích thước 2 cm hoặc 9 “lignes”. Điều đó ngày nay nghe có vẻ bình thường, nhưng đó là một rào cản kỹ thuật đáng kể vào thời điểm đó. Trước đây, những chiếc đồng hồ nữ 9P – quá nhỏ để có thể đem lại công năng nào, với phần lớn bề mặt là bộ vỏ. Sự xuất hiện của 9P báo hiệu một kỷ nguyên mới của tính dễ đọc – hay nói một cách đơn giản, giờ đây tỉ lệ giữa bộ vỏ và mặt số đã trở nên thực dụng hơn nhiều, đem đến những khả năng mới cho các nhà thiết kế đồng hồ. Florence Müller, một nhà sử học trong lĩnh vực thời trang, đã giải thích sự kiện này trong cuốn sách “Watchmakers and Jewellers Since 1874”:

“Piaget đã lật đổ truyền thống của ngành thiết kế đồng hồ. Thay vì bắt đầu với các yếu tố xung quanh mặt số, giờ đây, nhà thiết kế bắt đầu với chính mặt số, từ đó tạo ra các yếu tố thị giác lan toả, từ đó cấu thành các nét đặc trưng của phong cách (của thương hiệu).”

Florence Müller

Với 9P hoàn thành nhiệm vụ cung cấp năng lượng cho những chiếc đồng hồ nữ trang, Valentin đã tiếp tục phát triển mẫu 12P. Cũng giống như so sánh với sự tương đồng với “mẹ”/ “cha” đã được nhắc tới phía trên, bộ máy tiếp theo này (ra mắt tại Basel vào năm 1960) là sự củng cố cho sức nặng của Piaget trong địa hạt những chiếc đồng hồ nam siêu mỏng. Mặc dù không có sự xuất hiện của cơ chế phức tạp có thể nhìn thấy nào, 12P cho phép Piaget giải quyết bài toán về sự thanh lịch điển hình khi kết hợp cơ chế lên cót tự động. Vào năm 1958, Valentin đã nộp bằng sáng chế cho Viện Sở hữu trí tuệ Liên bang Thuỵ Sỹ về một chiếc đồng hồ “được trang bị cơ chế lên cót tự động”, với quy định cụ thể về “sự sắp xếp chi tiết của bánh đà”.

Bằng sáng chế này ghi lại một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển vi roto. Ngoài các thuộc tính vật lý đặc trưng – độ dày 2.3mm với chức năng lên cót tự động – 12P còn là ví dụ cho một bài học về chiến lược thương mại: trong thời gian này, khoảng 60% bộ máy do Piaget sản xuất vẫn đang được bán cho các bên thứ ba. Để bù đắp cho sự phụ thuộc vào các thương hiệu khác – nhiều cái tên trong số đó có thể coi họ là đối thủ cạnh tranh – Valentin và anh trai mình đã quyết định giữ các bộ máy siêu mỏng 9P và 12P riêng cho đồng hồ của họ.

Trong giai đoạn lịch sử mà đa phần những gì trong bài viết này diễn ra, không thể không nhắc tới sự ảnh hưởng của Quartz Crisis. Một lần nữa, Piaget cũng có câu chuyện của chính mình: cùng với 19 công ty khác – được gọi chung là Centre Electronique Horloger – họ đã tài trợ cho việc nghiên cứu và phát triển Beta 21 – được nhiều người coi là vũ khí đối phó mạnh mẽ nhất của ngành công nghiệp đồng hồ Thuỵ Sỹ chống lại sự xâm lấn của Seiko Astron. Vấn đề ở đây là: nó không đủ thanh lịch. Không còn cách nào khác, Piaget lại phải đối đầu với thách thức trong việc tìm kiếm phương thức sử dụng phù hợp cho hình dạng khối vuông như một chiếc TV của Beta 21; một số thành tựu của quá trình này (chẳng hạn như Ref.15102) cũng đã được thương mại hoá, tuy nhiên, vẫn phải chờ đến khi xuất hiện một giải pháp thay thế thực sự đến từ nội tại thương hiệu: bộ máy 7P.
Ngành chế tác đồng hồ quartz vẫn còn rất sơ khai, nhưng bước đột phá đầy ấn tượng của Piaget vào lãnh địa mới này vẫn ghi dấu ấn với độ dày chỉ 3.1mm, một lần nữa dán lên bộ máy 7P chiếc tem chứng nhận siêu mỏng. Là sự pha trộn hoàn hảo giữa công nghệ mới và truyền thống chế tác đồng hồ cơ khí, 7P là sự bổ sung tự nhiên cho Polo. Ra mắt vào năm 1979, chỉ ba năm sau khi 7P được giới thiệu, chiếc đồng hồ này một lần nữa thể hiện cách tiếp cận độc đáo, không bị gò bó của Piaget với một phân khúc hoàn toàn mới – đồng hồ thể thao sang trọng. Thay vì phải chế tác một bộ chuyển động dành riêng mới, Piaget đã tạo ra một bộ máy đơn giản (nhưng hoạt động siêu chính xác) trong thiết kế hiện đại, hướng ánh sáng về vẻ ngoài của chiếc Polo: bề ngoài tối giản, nhưng bùng nổ mạnh mẽ với năng lượng của thập niên 1980.

Ở kỳ tiếp theo, hãy cùng tìm hiểu phần còn lại của “cá tính” Piaget: những thiết kế mang đậm tinh thần thanh lịch và phá cách, cũng như những cá nhân kiệt xuất của Piaget Society.

Exit mobile version