Dù doanh thu tỷ euro mỗi năm, công ty thời trang HUGO BOSS vẫn tham vọng tính toán lại mô hình kinh doanh và chiến lược phát triển thương hiệu.
Sở hữu hai nhãn hiệu thời trang được đánh giá cao như HUGO và BOSS vừa là lợi thế cũng như thách thức lớn với ông lớn ngành thời trang này, nhất là trong bối cảnh thị trường và khách hàng không ngừng biến chuyển. Điều này khiến trọng tâm của chiến lược kinh doanh được đưa ra dựa trên quan điểm mới: mọi sự thay đổi luôn là cần thiết và phải thật nhanh chóng.
SỰ CHUYỂN MÌNH CỦA ÔNG LỚN NƯỚC ĐỨC
2,733 tỷ euro doanh thu trong năm tài chính 2017 là một con số mơ ước của nhiều thương hiệu, nhất là trong bối cảnh ngành thời trang cao cấp phải trải qua một năm 2016 khá u ám. Tuy nhiên, HUGO BOSS vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ trong suốt năm 2018 với tổng doanh thu sau điều chỉnh tỷ giá tăng 4%, đạt mức 2,796 tỷ euro; lợi nhuận hoạt động trước thuế và khấu hao (EBITDA) giữ vững ở mức 489 triệu euro nhưng lợi nhuận ròng hợp nhất lại tăng 2% kéo theo là giá trị cổ tức cũng tăng mức 2,7 euro mỗi cổ phần.
Không thể phủ nhận một phần lớn trong số đó được đóng góp từ những sản phẩm truyền thống gắn với tên tuổi của HUGO BOSS như những bộ suits cao cấp được may tỉ mỉ, công phu dành cho những quý ông chuẩn mực.
Tuy nhiên, nhiều sản phẩm mới với công nghệ và tư duy thiết kế hiện đại cũng đang đóng góp tích cực cho bức tranh chung của thương hiệu thêm phần sáng sủa. Đó là những bộ suit có thể bỏ vào máy giặt hay ứng dụng vật liệu tiên tiến vào đồ thể thao chơi golf. Sự xuất hiện của HUGO – ngôi sao streetwear mới đang được thế hệ Millennials đón nhận, mang đến một góc nhìn hoàn toàn khác về thương hiệu.
Những thay đổi quan trọng này là kết quả từ tầm nhìn và định hướng nhạy bén của đội ngũ lãnh đạo mà đại diện nổi bật nhất là Giám đốc Điều hành Mark Langer. “Thế giới đang thay đổi với một tốc độ chóng mặt và rõ ràng những biến chuyển này có những ảnh hưởng nhất định tới giá trị cốt lõi của HUGO BOSS ngày hôm nay”, người đàn ông có tới 16 năm gắn bó với công ty chia sẻ.
Giám đốc Điều hành Mark Langer.
CHẶNG DÀI VỚI MỤC TIÊU LẠC QUAN
Với hơn 14.000 nhân viên đam mê thời trang ở tất các các bộ phận, công ty tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi là may mặc cao cấp với tham vọng nắm chắc phân khúc khách hàng của riêng mình trên thị trường thời trang.
Cụ thể hoá tham vọng đó, HUGO BOSS đặt mục tiêu tới năm 2020, mức tăng trưởng doanh thu hàng năm sẽ được duy trì mức 5 đến 7% với lợi nhuận trước thuế đạt mức 15% doanh thu và cam kết tỷ lệ trả cổ tức tối đa lên tới 80%. Những chỉ số này được đánh giá là sẽ vượt qua cả tốc độ tăng trưởng chung của cả thị trường châu Á – Thái Bình Dương.
“Chúng tôi đề ra mục tiêu cao cho những năm kế tiếp và muốn phát triển nhanh hơn thị trường, đồng thời kỳ vọng rằng lợi nhuận sẽ tăng trưởng với tốc độ vượt trội hơn so với tổng doanh số”, Mark Langer cho biết và nói thêm: “Việc tái cấu trúc thương hiệu HUGO và BOSS là nền tảng vững chắc cho kế hoạch này. Mục tiêu chung của chúng tôi là trở thành thương hiệu thời trang và phong cách sống cao cấp được khao khát nhất trên toàn cầu”.
Một cửa hàng của thương hiệu BOSS.
CHIẾN LƯỢC HOÀN THÀNH MỤC TIÊU CỦA HUGO BOSS
Trong một bài phỏng vấn gần đây trên Business of Fashion, Langer đã chia sẻ rằng ông muốn những giá trị này phải được “tích hợp” vào cội rễ của từng hoạt động, từng thành viên của HUGO BOSS chứ không chỉ là một chiến thuật kinh doanh nhất thời.
Một ví dụ điển hình là mảng phát triển sản phẩm mới đang có những bước tiến rõ rệt. Các chất liệu truyền thống cao cấp vốn là di sản của thương hiệu, tuy nhiên nhận thức được thị trường đang ngày một quan tâm hơn tới các giá trị bền vững, HUGO BOSS dịch chuyển trọng tâm để nghiên cứu và phát triển những chất liệu mới chỉ trong một thời gian ngắn.
Mới đây, hãng đã thành công khi ra mắt dòng giày sneakers sử dụng vật liệu bền vững được gọi là Piñatex, có nguồn gốc từ lá dứa hay tuyên bố về việc sử dụng ít nhất 60% vật liệu tái chế trong tất cả các miếng đệm lót trong trang phục và phụ kiện của hãng.
Ở một khía cạnh khác, thương hiệu trẻ trung HUGO tận dụng những lợi thế của nền tảng kỹ thuật số để thay đổi hoàn toàn cách thức tiếp cận với thị trường. Theo đó, toàn bộ các bộ sưu tập của hãng được phát triển hoàn toàn bằng ứng dụng kỹ thuật số (nay đã trải qua 4 phiên bản cập nhật).
“Thay đổi này giúp chúng tôi phát triển một bộ sưu tập chỉ trong chưa đầy 12 tháng và sản phẩm vật lý đầu tiên mà chúng tôi tạo ra cũng chính là sản phẩm mà chúng tôi bán tại cửa hàng. Cho tới trước thời điểm đó, tất cả đều được triển khai trên máy tính”, đại diện thương hiệu nói.
Với cả HUGO và BOSS, Mark Langer còn muốn tính linh hoạt phải có mặt trong cả trải nghiệm của khách hàng. Dựa trên ưu thế về hệ thống bán lẻ toàn cầu và kinh nghiệm “made-to-measure” lão luyện, HUGO BOSS cho phép khách hàng được cá nhân hoá các sản phẩm theo bất kỳ mong muốn và yêu cầu nào. Khách hàng có thể “ký tên” trong từng chi tiết nhỏ nhất của bộ trang phục như lớp lót trang phục, chất liệu của khuy măng séc cho tới họa tiết của khăn cài áo.
Những bước đi này giúp ông lớn ngành thời trang tự tin vào mục tiêu tài chính 2019 – 2022. Giám đốc Mark Langer cũng kỳ vọng chiến lược sớm hoàn thành đúng theo triết lý “Tư duy nhanh nhẹn và tự chủ là những động lực đằng sau thành công ban đầu này”.
Nguồn: Vnexpress