Tamson

Dấu ấn long bào trên đồng hồ Vacheron Constantin Metiers d’Art

Hình thêu “Hải thủy Giang nhai” trên áo bào và quan phục nhà Minh - Thanh (Trung Quốc) được Vacheron Constantin đưa lên loạt tạo tác Metiers d’Art đặc biệt tinh xảo, xứng tầm dòng đồng hồ nghệ thuật duy ngã độc tôn của thương hiệu Thụy Sĩ.
Dấu ấn long bào trên đồng hồ Vacheron Constantin Metiers d’Art 1

Từ dấu ấn quyền lực khi xưa, bộ long bào hay triều phục của vua quan các triều đại Minh – Thanh đã trở thành những biểu tượng lịch sử và nghệ thuật thủ công của quốc gia tỉ dân. Thêu cầu kỳ trên các cổ trang này là hình sóng vỗ vách đá có tên gọi “Hải thủy Giang nhai”. Giờ đây, hình thêu được thương hiệu Thụy Sĩ lâu đời Vacheron Constantin tiếp tục lưu truyền trên loạt đồng hồ giới hạn Metiers d’Art mới.

Cho bộ tứ đồng hồ Metiers d’Art – Tribute to traditional symbols (tạm dịch: Tôn vinh các biểu tượng truyền thống) mới, Vacheron Constantin khảo nghiệm từ hai triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Trung Quốc: nhà Minh (1368–1644) và nhà Thanh (1644 – 1912) để tôn vinh văn hóa cổ kính của Trung Hoa.

Vacheron Constantin mời đến Thụy Sĩ một chuyên gia từ Bảo tàng Cố cung (Bắc Kinh). Ông Tống, nguyên Phó Thủ thư Nghiên cứu của Bảo tàng, đã cố vấn và cung cấp nhiều tư liệu quý giá trong quá trình nghiên cứu. Qua đó, hai mẫu “Hải thủy Giang nhai” được lựa chọn cho hai cặp đồng hồ.

Hình thêu cầu kỳ xuất hiện trên vạt áo, đuôi áo hay ống tay của cả long bào (áo cho hoàng đế, hoàng hậu, thái thượng hoàng – thái hậu) lẫn quan phục dưới thời Minh – Thanh; ghi dấu trong kiến trúc, nghệ thuật và thủ công mỹ nghệ Trung Quốc đến tận ngày nay. “Hải thủy Giang nhai” diễn họa ngọn núi hùng vĩ nhìn xuống những con sóng bạc vỗ vào vách đá. Không chỉ đẹp mắt, hình ảnh này còn tượng trưng cho sự vững mạnh của hoàng đế, như vách núi không suy suyển trước sóng. Sơn – thủy biểu trưng cho lãnh thổ đế quốc (non nước). Trang trí này cũng phổ biến tại nhiều quốc gia châu Á, như Việt Nam có hoa văn thuỷ ba gần tương tự được may trên long bào, áo thanh các dưới thời Lê – Trịnh, Nguyễn…

Bức họa thuỷ triều nhẹ nhàng mơn trớn những đỉnh núi bao phủ bởi rừng cây hình củ gừng, trên nền trời đầy sao, thực hiện bằng kỹ thuật cloisonné. Điều thú vị là kỹ thuật tráng men dùng sợi vàng này có nguồn gốc từ Trung Quốc, thậm chí còn được gọi là “màu lam Minh Đại”, tri ân thời hoàng kim của kỹ thuật trong thời Minh Đại Tông nhà Minh.

Với mỗi mặt số, các nghệ nhân của Vacheron Constantin phải trải 220 sợi chỉ vàng trong 50 tiếng tạo hình. Tiếp đó, cần không dưới 70 tiếng thực hiện công đoạn tráng men để đạt được những sắc độ trù phú, đặc sắc.

Viền bezel của hai mẫu đồng hồ không đính đá quý được chạm khắc mô-típ con dơi. Trong tiếng Trung, ‘dơi’ và ‘hạnh phúc’ cùng đọc là “phúc”, lý giải tại sao loài vật này được xem như phước báo và tượng trưng cho ngũ phúc: trường thọ, phú quý, khang ninh, hiếu đức và thiện chung. Người thợ khắc gợi tả con dơi bằng hình thức phù điêu nổi gồm nhiều vòng xoắn liền nhau.

Phiên bản “Hải thủy Giang nhai” thứ hai xuất hiện trên hai mẫu đồng hồ đính kim cương giác cắt brilliant trên viền và mặt số. Nghệ nhân bậc thầy kết hợp nhiều kỹ thuật, từ men phủ Grand Feu lam thẫm, chạm men champlevé, chạm khắc cho đến tiểu họa, để tạo nên những ngọn sóng lấp lánh kim cương trên nền men lam, những dãy núi có chiều sâu sống động.

Bốn tuyệt tác tri ân văn hóa Á Đông được trang bị bộ chuyển động 2460 nhỏ gọn đạt chứng chỉ Hallmark of Geneva. Con lắc vàng cũng khắc hoa văn tương đồng mặt số. Chế tác thủ công bằng kỹ thuật điêu luyện với số lượng cực kỳ ít ỏi, loạt đồng hồ Metiers d’Art một lần nữa xứng danh “duy ngã độc tôn” trong danh mục của Vacheron Constantin. Không có gì ngạc nhiên khi chúng chỉ dành cho các nhà sưu tầm hay thượng khách của thương hiệu.

Exit mobile version