Tamson

“LƯỠNG LONG TRANH CHÂU” TRÊN ĐỒNG HỒ THỤY SĨ

Tại triển lãm Watches & Wonders Thượng Hải, Vacheron Constantin tung ra hai mẫu đồng hồ chạm trổ hình rồng nhả ngọc cho năm Giáp Thìn 2024. Song song với đó là ba thiết kế mới đi từ thực tiễn đến nghệ thuật.

“LƯỠNG LONG TRANH CHÂU” TRÊN ĐỒNG HỒ THỤY SĨ 1

Sự kiện Watches & Wonders Shanghai 2023 diễn ra từ ngày 13 đến 17 tháng Chín tại West Bund Art Center thuộc quận Từ Hối, Thượng Hải. Bốn mẫu đồng hồ được công ty Thuỵ Sĩ trưng bày tại triển lãm có thiết kế từ tối giản, thực tiễn đến cầu kỳ, nghệ thuật, theo chủ đề chung “Less’ential”. Trong số đó, hai đồng hồ phiên bản giới hạn chạm trổ hình “lưỡng long tranh châu” (rồng nhả ngọc) trên mặt số thu hút nhiều sự chú ý, dù còn bốn tháng nữa mới đến Tết Giáp Thìn tại châu Á.

Chiếc “Year of the Dragon” không chỉ vinh danh năm Giáp Thìn mà còn khép lại đúng một giáp trong lịch sử của bộ đồng hồ “Métiers d’Art The Legend of the Chinese Zodiac”: từ năm 2012, mỗi năm một con giáp mới được đưa lên đồng hồ Vacheron Constantin. Mặt số vàng trang trí hoạ tiết mây trời kiểu xưa được điêu khắc và tráng men Grand Feu trước, sau đó ghép chi tiết rồng đắp nổi. Cần hơn 3 ngày làm việc liên tục chỉ để tạo hình rồng với 300 vảy chạm trổ thủ công.
Người đeo không đọc giờ bằng kim mà qua bốn cửa sổ hiển thị số nhảy. Theo đại diện Vacheron Constantin, điều này nhằm giúp nghệ nhân có nhiều không gian biểu đạt hơn trên mặt số. Thương hiệu nhấn mạnh mối liên kết giữa Vacheron Constantin và văn hoá Đông Á nhưng bỏ ngỏ khả năng tiếp tục sản xuất dòng đồng hồ “mười hai con giáp”.

Ngoài mẫu đồng hồ trên, bộ phận Métiers d’Art chuyên sản xuất đồng hồ hiếm còn giới thiệu bốn thiết kế mới, lấy cảm hứng từ những khám phá trong lĩnh vực tự nhiên học thế kỷ 19. Mỗi chiếc đồng hồ là một bức tiểu hoạ mô phỏng các cột mốc trên hành trình của Beagle, con tàu thám hiểm vượt đại dương từ năm 1831 đến 1836 của Anh, như quốc đảo Cape Verde, eo Magellan, mũi Hảo Vọng,… Con tàu hai cột buồm, thảm thực vật sum suê, động vật kỳ thú được phác hoạ sống động nhờ nhiều kỹ thuật thủ công hiếm như tráng men, chạm khắc và chạm vân lặp guilloché.

Các mẫu “Métiers d’Art – Tribute to Explorer Naturalists” có cơ chế đọc giờ hiếm thấy trên thế giới. Mặt số được chia làm hai tầng. Ẩn dưới tầng trên của mặt số là bánh răng kim giờ gồm ba bộ phận hình chong chóng, mỗi chong chóng gắn bốn cọc số, được vận hành bởi một cam có hình dáng giống biểu tượng chữ thập Malta của nhà chế tác. Nhờ cơ chế gọi là “mô-đun vệ tinh” này, hàng số chỉ giờ có thể di chuyển theo quỹ đạo vòng cung 120º ở tầng dưới, cũng đồng thời là vạch phút.
Song song với loạt thiết kế Métiers d’Art cho các nhà sưu tầm yêu thích đồng hồ thủ công hiếm, Vacheron Constantin giới thiệu thêm hai mẫu đồng hồ thuộc các bộ sưu tập Traditionnelle và Patrimony có tính thực tiễn hơn.

Hai phiên bản Traditionnelle manual-winding mới hoà sắc xanh lá trên chất liệu vàng hồng đẹp mắt, thiết kế với đường kính 38 mm và 33 mm dễ đeo trên nhiều cỡ cổ tay. Chiếc đồng hồ được xem là sự tiếp nối của mẫu Traditionnelle Tourbillon màu lục mà Vacheron Constantin xuất xưởng hồi tháng Ba năm nay.
Phiên bản 33 mm đính 54 viên kim cương trên viền; trong khi đó, phiên bản 38 mm sở hữu dự trữ năng lượng tới 65 tiếng nhờ bộ chuyển động lên cót tay Calibre 4400 AS.
Vacheron Constantin lần đầu tiên ra mắt một phiên bản đồng hồ trang sức đính kim cương toàn bộ trong bộ sưu tập Patrimony. Đây được xem là nước đi táo bạo do dòng đồng hồ này vốn đề cao tính chừng mực, tối giản.
Tuy nhiên, dù đính tổng cộng tới 769 viên kim cương, thương hiệu Thuỵ Sĩ vẫn giữ lại được phần lớn thiết kế hài hoà, lược bỏ mọi chi tiết thừa. Mặt số được nạm kim cương toàn bộ bằng kỹ thuật gắn chấu kiểu bông tuyết (snow-setting). Dây đeo da cá sấu với cơ chế thay dây đơn giản và bộ máy lên cót tự động có độ tin cậy cao tăng thêm sức hấp dẫn cho chiếc Patrimony.
Exit mobile version