Thêm một nghịch lý mới trong bộ sưu tập của Bottega Veneta – dưới bàn tay nhào nặn của Giám đốc sáng tạo Matthieu Blazy.
Bottega Veneta – một hình tượng mẫu mực của khái niệm “quiet luxury” (tạm dịch: sự xa xỉ yên lặng) là một thương hiệu biểu trưng cho sự thanh lịch tối giản đậm chất Ý. Không áp đảo thị giác giới mộ điệu bằng hàng loạt logo mang tính tuyên ngôn, Giám đốc sáng tạo Matthieu Blazy thường chọn cách đưa thêm những “nghịch lý” vào trong bộ sưu tập của mình.
Lần này, trở lại với bộ sưu tập Mùa Đông 2023, nhà thiết kế mang hai dòng máu Pháp – Bỉ lại đem tới một nghịch lý khác. Da cá sấu, da đà điểu,… những thước da được kỳ công xử lý xuất hiện ở khắp nơi. Từ những đôi bốt cao cho tới áo khoác dáng dài, từ cà vạt bản rộng cho tới túi xách mất nhiều giờ chế tác,…. tất cả thể hiện tay nghề xử lý chất liệu tinh vi xứng tầm bậc thầy. Tạo nên những món đồ thông dụng, được sử dụng hàng ngày nhưng lại tiêu tốn rất nhiều thời gian và tiền của để chế tác – nghịch lý về tính giản dị của Matthieu Blazy được thể hiện ở đó.
Trong hình dung của Matthieu Blazy, sự xa hoa cần có kết nối chặt chẽ với cội nguồn và những thành tố làm nên thương hiệu. Anh tìm hiểu kỹ càng về lịch sử nước Ý, con người Ý, hay cách những con người của mảnh đất này ăn vận và đi lại trên đường phố mỗi ngày. Chẳng cần phải tới đường băng catwalk lộng lẫy phát sáng dưới ánh đèn công suất lớn, thông qua lăng kính của Matthieu, giới mộ điệu vẫn thấu hiểu người Ý sành sỏi chuyện ăn mặc biết bao.
Những con người ấy có thể là một nhân viên văn phòng đang rảo bước tới cơ quan cho kịp giờ làm, một quý bà đỏm dáng cứ mười lăm phút lại soi gương một lần, hay cô sinh viên Gen Z ngồi bên vệ đường, ung dung nhìn ngắm phố phường. Đó cũng là lý do ta được chiêm ngưỡng những thiết kế đậm chất trang phục đời thường trong bộ sưu tập: váy len cổ rộng để mặc bất cứ khi nào; chỉ cần trời trở lạnh, áo khoác dáng dài chẳng lo lỗi mốt; áo tua rua xếp lớp được xử lý cầu kỳ tới mức mềm mại như làn da thứ hai; hay đôi tất tưởng như được dệt bằng len nhưng lại được chế tác từ… da.
Nghịch lý của Matthieu còn được thể hiện ở chỗ, thay vì giản lược những chi tiết thừa thãi trên trang phục để nhất nhất tuân theo mọi quy tắc của khái niệm “quiet luxury”, anh lại phức tạp hóa mọi thứ, khiến những thương hiệu đứng trong hàng ngũ “haute couture” cũng phải e dè trước tay nghề thủ công thượng thừa của Bottega Veneta. Sự kỳ công còn đạt tới “cảnh giới” mới khi người mặc không phải gồng gánh cả một “tác phẩm nghệ thuật” phức tạp trên cơ thể mà trái lại, họ cảm thấy sự dễ chịu gần như tuyệt đối. Thay vì mất thời gian chọn lựa giữa tính tiện ích và tính thẩm mỹ, Matthieu Blazy chọn cả hai.
Không thể quên sự hiện hữu của những chiếc túi xách – sản phẩm mang tính chiến lược, nhất là khi tiền thân của Bottega Veneta là một thương hiệu chuyên sản xuất túi da thủ công. Chúng ta có chiếc túi Hop lấy cảm hứng từ phom dáng mẫu túi xách hobo được Bottega Veneta trình làng lần đầu tiên vào năm 2002, chiếc túi Piero Bucket được đeo vắt qua vai một cách lạ lẫm, hay bộ đôi Kalimero và Sardine được tái thiết kế qua các mùa…
Bộ sưu tập Mùa Đông 2023 của Bottega Veneta không chỉ thể hiện “mâu thuẫn” trong tư duy sáng tạo của Matthieu Blazy, mà còn bổ sung, kết hợp vẻ đẹp vị lai của tương lai cùng kỹ thuật thủ công đã được đúc kết qua nhiều đời. Trong nét giản dị có sự cầu kỳ, trong cái kín đáo có sự phô trương về chuyên môn chế tác, Bottega Veneta – dưới thời của Matthieu Blazy, tiếp tục bám chắc vào cốt lõi của sáng tạo: đó là thêm thắt những điều mới mẻ vào cái cũ, biến những điều bình dị trở thành tạo vật phi thường.