Với lịch sử hàng ngàn năm, da thuộc giờ đây đã trở thành một chất liệu biểu tượng của hàng xa xỉ phẩm. Và chính những cái tên lừng danh như Hermès hay Bottega Veneta đã nâng ngành thuộc da lên thành một nghệ thuật tối thượng bằng các kỹ nghệ chế tác thủ công trên các loại da quý hiếm bậc nhất.
Theo lịch sử ghi lại, các vật dụng da thuộc đã được tìm thấy ở Ai Cập từ năm 1300 trước Công Nguyên. Ngay vào thời sơ khai ở Châu Âu, Châu Á và Bắc Mỹ, người ta đã phát triển kỹ thuật biến da thành những vật dụng cần thiết trong sinh hoạt hàng ngày. Người Hy Lạp đã sử dụng da trong may mặc quần áo, lều… Trong khi vũ khí, áo giáp bằng da thuộc đã được sử dụng từ thời kỳ các anh hùng của Homeric (khoảng năm 1200 TCN). Và việc sử dụng da sau đó đã lan rộng khắp Đế chế La Mã. Người da đỏ Bắc Mỹ cũng đã có những kỹ năng tuyệt vời trong công việc làm da trước khi người da trắng xuất hiện. Khoảng 1000 năm sau đó, đồ da thuộc bắt đầu được sử dụng thịnh hành bởi phụ nữ Ai Cập, như một thước đo cho sự sang trọng và địa vị.
Khoảng thế kỷ thứ XII, con người đã phát triển công nghệ ngành nhuộm da cho mục đích trang trí, thẩm mỹ và bảo quản. Phải bắt đầu từ thời kỳ thăng hoa của những nghệ nhân hàng đầu thuộc nhà Hermès (Pháp) và Bottega (Ý), đồ da mới bước lên hàng siêu phẩm xa xỉ và để lại những thành tựu mang tính di sản. Hai thương hiệu đồ da thủ công xa xỉ bậc nhất này đã đưa ngành công nghiệp thời trang Pháp & Ý lên tầm cao mới mà không một quốc gia nào có thể với tới. Không ai có thể ngờ rằng, cả hai thương hiệu này đều trung thành với cách làm thủ công, chất liệu cao cấp và thiết kế bất biến không thay đổi theo thời gian. Nhưng cũng chính vì điều đó, các sản phẩm của 2 hãng này luôn được giới thượng lưu yêu thích và săn lùng suốt nhiều thập kỷ.
Fez, thành phố hình thành từ thế kỷ thứ 8 và là đô thị lớn thứ 3 tại Morroco, nổi tiếng khắp thế giới bởi khu Medina. Đây là một khu phố cổ, đầy ắp các cửa hàng với những con đường nhỏ và lắt léo tựa một mê cung. Không chỉ vậy, thành phố còn nổi tiếng với những xưởng thuộc da lớn và lâu đời. Chouara, một trong những xưởng thuộc da ấy, đã tồn tại gần 1.000 năm.
Khoan hẵng bàn về sự đấu tranh suốt bao năm qua của những hội bảo vệ động vật chống lại ngành thuộc da hay bất cứ ngành nghề nào sử dụng nguyên liệu từ động vật. Đó sẽ là một câu chuyện khác, và là một câu chuyện dài. Vì tình yêu của những tín đồ xa xỉ sẽ luôn lớn dần mỗi khi đôi tay họ cảm nhận sự mịn màng của chất da và đôi tai họ lắng nghe câu chuyện về kỹ thuật chế tác kì công tỉ mẩn ghi dấu ấn trăm năm.
Món quà tinh hoa của thiên nhiên ban tặng chỉ có thể đạt độ trân quý nhất bằng những thủ pháp chế tác thủ công, không có sự hiện điện của máy móc hay hóa chất từ nền công nghiệp hiện đại. Quá trình thuộc da bằng phương pháp thô sơ lưu truyền từ ngàn xưa có thể lên đến một năm. Nhưng khi con người đã tích lũy nhiều năm kinh nghiệm, phương pháp thuộc da đa dạng cải tiến hơn xưa. Công nghệ ngày càng phát triển kéo theo những phương pháp thuộc da đa dạng và cải tiến khiến quá trình thuộc da chỉ diễn ra trong một vài ngày.
Da Shell Cordovan (hay còn gọi là Da mông ngựa) là loại da dùng để tạo nên những đôi giày đắt đỏ nhất thế giới). Da không phải là da nguyên mặt (full grain) mà là lớp phía dưới bì. Lớp da này được cấu trúc nên bởi các sợi collagen có nguồn gốc pha trộn giữa thịt và sụn, và do được trích xuất từ đây nên bề mặt da Shell Cordovan cực kì mịn màng và hoàn toàn không có lỗ chân lông. Nhờ tính không nhăn độc nhất, giày da Shell Cordovan thật sẽ có tuổi thọ bền bỉ tùy thuộc vào quá trình sản xuất giày. Do quá trình nhuộm khá phức tạp nên da shell cordovan chỉ có giới hạn một số màu sắc nhất định. Thông thường, phải mất đến 6 tháng (Horween) hoặc thậm chí 10 tháng (Shinki Hikaku) để hoàn thành việc thuộc và xử lý da. Trong khi đó, da thuộc công nghiệp chỉ mất 24-28 tiếng.
Da Nappa là dòng Full Grain nguyên tấm, được làm từ da của các con thú nhỏ như da bê, cừu non… Quy trình thuộc da tạo ra các chất tannin nhân tạo như Crom Sulfat, và các loại muối khác. Da rất mềm mại, dẻo dai và độ nhăn rất ít, cùng với nhiều màu sắc khác nhau do thích ứng được nhiều kỹ thuật nhuộm đa dạng. Dù mềm mịn nhưng da vẫn rất bền chắc do cấu trúc tính liên kết cao, có khả năng “Thở” và giữ ẩm tốt.
Da Nubuck (da Buck) chính là da thô được mài mòn bề mặt để tạo thành lớp nền bông mịn nhờ những thớ lông li ti, rất êm ái khi sờ. Khi dùng ngón tay vuốt nhẹ trên bề mặt tấm da Nubuck, những thớ lông mịn này ngả sang một bên, tạo nên sắc độ mờ hơn bình thường. Chính đặc điểm này làm nhiều người nhầm lẫn da nubuck với vải nhung hoặc thậm chí da lộn. Mặt khác, khi lau khăn ẩm lên bề mặt da thì màu của tấm da bị sẫm lại bởi đặc tính thấm hút rất mạnh của da Nubuck khi lớp biểu bì bảo vệ bên ngoài đã bị chà mòn trong quá trình chế tác.
Da Cá sấu. Da cá sấu được thu hoạch lần đầu tiên với số lượng lớn ở Louisiana (Hoa Kỳ) vào đầu những năm 1800. Trong thời kì khai thiên lập quốc, từ những đầm lầy liễu rủ vùng duyên hải ấy, da cá sấu đã được thu hoạch để làm giày, yên ngựa, và mỡ của chúng được sử dụng để làm dầu tra cho động cơ hơi nước cũng như các nhà máy dệt. Trải qua nhiều đợt trồi sụt về sản lượng, cùng với lượng cầu giảm khiến người ta gán sự không bền vững cho thị trường da cá sấu, thì đến giữa thế kỉ 19, nhu cầu về da cá sấu tăng trở lại bởi cuộc Nội chiến Hoa Kì: da cá sấu lại một lần nữa được sử dụng với số lượng lớn để làm giày và yên ngựa cho quân đội miền Nam.
Hermès vốn sẽ là cái tên đầu tiên được nhắc đến với sức nặng được bảo chứng bằng những chiếc túi da sang trọng tối thượng. Danh tiếng lừng lẫy của nhà xa xỉ phẩm lâu đời này nằm ở chính việc nhà hãng luôn không ngừng mở rộng phạm vi nguồn nguyên liệu da đa dạng nhất so bất kỳ thương hiệu da nào trên toàn thế giới.
Giá trị của các sản phẩm Hermès nằm ở chất liệu da kỳ lạ bậc nhất và cách họ thuộc da. Được chế tạo đặc biệt từ các vùng phổ biến rộng rãi như Zimbabwe và Úc, Hermès chỉ sử dụng vật liệu tốt nhất để tạo ra những chiếc túi sang trọng và cá biệt nhất trên thế giới. Thư viện di sản cho ngành thuộc da của nhà mốt hiện tại có khoảng 30 chủng loại da khác nhau.
Túi da cá sấu trong BST Hermès Fall/Winter 2018
Da Epsom – Đây là loại da có hạt khá được ưa chuộng. Túi không mềm, nhưng rất bền, nhẹ và dễ chăm sóc. Không giống như hầu hết các túi Hermès khác, Epsom được dập nổi bằng các hạt được ép chặt vào da. Điều này giúp mang lại một vẻ ngoài cứng cáp và nặng tính kết cấu hơn các loại da khác.
Da bê Togo – Loại da này chủ yếu được sử dụng cho dòng Birkin danh tiếng, bởi đặc tính nhẹ và đàn hồi giữ dáng tốt. Da có khả năng chống xước, bề mặt hạt mịn và cực kì dễ tân trang như mới, khiến cho những chiếc túi Birkin cổ điển từ hàng chục năm trước vẫn có khả năng hồi sinh như được mua từ mới hôm qua, với vẻ sang trọng vĩnh cửu.
Da thằn lằn – Hermes rất ít khi sử dụng loại da này cho các sản phẩm mới, đồng nghĩa với việc đây là dòng da rất hiếm. Các dòng túi Hermès làm từ da thằn lằn thường có dấu “-” hoặc “=” ở ngay cạnh logo và các vảy nhỏ sáng bóng, mịn. Đây là môt trong những loại da tinh tế nhất của nàh mốt và nó cũng đòi hỏi sự chú ý đặc biệt trong việc giữ gìn cẩn thận ở nhiệt độ thích hợp để da không bị khô và bong tróc.
Túi Birkin Niloticus Crocodile Himalaya
Da cá sấu mờ và sáng bóng (Lisse) – Da có những đường vân tinh tế giúp che giấu được những khiếm khuyết trong quá trình sử dụng. Nổi bật phải kể đến da cá sấu châu Phi với lớp da được xác định bằng các vết lõm nhỏ trên bề mặt là các lỗ chân lông mang lại cảm giác như cá sấu đang di chuyển trong nước. Bên cạnh đó, da cá sấu Mỹ có nguồn gốc từ Floria (Hoa Kỳ) cũng gây ấn tượng mạnh với nhiều hoa văn hơn cá sáu châu Phi
Da bê Box calf – Dòng da lâu đời nhất, chủ yếu được tìm thấy trong các bộ sưu tập túi vintage. Da có bề mặt mịn màng óng ánh tinh tế và định dạng tốt, tuy vậy cần được bảo hành thường xuyên bởi tương đối dễ trầy xước.
Da đà điểu – Đây là loại da đứng đầu bảng vàng cho độ tuổi thọ bền chắc. Loại da này có bề mặt chi chít những nốt sần đặc trưng, chống thấm nước tốt và đặc biệt là có khả năng độc đáo khi biến hoá dưới những tác động khác nhau: sẫm đi khi tiếp xúc với làn da người, và ánh lên kiêu hãnh dưới ánh sáng mặt trời.
Da Swift – Da rất mềm mịn, và hấp thụ thuốc nhuộm rất tốt, vì vậy những dòng túi da Swift luôn được khoác những màu sắc tươi sáng mĩ miều! Da swift rất giống với Box calf, cơ bản là về độ mịn, nhưng tựu chung lại không cứng và sáng bóng bằng.
Da bê Clemence là một loại da cực kỳ phổ biến khác được Hermès thường sử dụng, có bề mặt mờ, mềm mại mà nặng nề. Dù kết cấu sợi da phẳng như một tấm khiên giúp Clemence có khả năng chống trầy xước tuyệt hảo, nhưng không may, loại da này lại không chịu được nước. Người dùng cũng không nên để túi quá tải trọng khi nhồi nhét vật nặng, bởi nó sẽ trở nên gồ ghề và mất phom.
Túi Hermès da đà điểu
Không giống như các thương hiệu khác phải chu du khắp thế giới để thu mua lại nguồn da, Hermès sở hữu riêng một vài nhà máy thuộc da để đảm bảo cung cấp đủ nguồn da cao cấp nhất cho các sản phẩm của hãng. Các nhà máy này nằm rải rác khắp nơi trên thế giới, nơi bắt nguồn của những chủng loại da quý hiếm, được Hermès tự xây dựng nên hoặc mua lại từ các thương hiệu khác (như xưởng thuộc da hàng đầu thế giới d’Annonay được mua lại vào năm 2013). Những siêu phẩm của Hermès được coi là niềm khao khát của mọi tín đồ da thuộc, từ những chiếc túi xách Birkin tiền tỉ, đến vali rương hòm, sổ tay, giày dép, găng tay, thắt lưng và tất nhiên không thể không nhắc đến kí ức vàng son từ những chiếc yên ngựa khởi đầu cho cả một đế chế.
Trên đỉnh cao của ngành hàng da thuộc, Hermès dẫn dắt cả xu hướng và phù phép để ấn định nên phong cách ‘chơi’ đồ da của tín đồ thời trang toàn cầu. Trong số tất cả những chiếc túi, Birkin Niloticus Crocodile Himalaya chính là “Chén Thánh” của những người yêu túi da. Đây là chiếc túi làm từ da cá sấu sông Nile mang gen đột biến albino (bạch tạng) đã được bán với giá 2.98 triệu đô Hồng Kông tại sàn Christine’s HongKong vào tháng 11 năm ngoái, và biến nó trở thành chiếc túi xách đắt nhất thế giới từng được bán trong một cuộc đấu giá. Đắt đỏ cũng hợp lẽ, khi độc nhất chỉ có chiếc túi này mới được tạo dựng từ lớp da chuyển màu tinh tế từ sắc độ xám khói đến trắng ngọc trai – trông như dãy núi Himalaya kỳ vĩ quanh năm phủ tuyết trắng; chiếc ổ khoá gắn trên túi được làm bằng vàng trắng 18 carat và nạm 40 viên kim cương tròn, tổng cộng 1,64 carat. Không những thế, đại diện của Hermès cho biết mỗi năm, nhà mốt chỉ sản xuất từ 1-2 chiếc túi xa xỉ này và không phải ai cũng mua được.
Được thành lập tại Vicenza, Ý vào năm 1966, Bottega Veneta đã xây dựng di sản của mình trên nghệ thuật làm da thủ công và thiết kế vượt thời gian. Trong khi Hermès xưng vương trong cuộc chơi với nguồn nguyên liệu da, thì các nghệ nhân của Bottega Veneta đã giúp thanh danh nhà mốt lẫy lừng bền vững với kỹ thuật chế tác da thủ công đứng đầu thế giới. Những kỹ nghệ tinh vi nhất được kế thừa qua từng thế hệ các nghệ nhân đã biến cửa hàng kinh doanh đồ da xa xỉ thu hút nhất nhì ở vùng Veneto thời bấy giờ trở thành một thương hiệu toàn cầu trị giá triệu đô.
Túi Cabat là một trong 4 trụ cột xuất sắc nhất của nhà mốt Ý. Chiếc túi sử dụng nghệ thuật đan nong thủ công Intrecciato trên nền da Nappa mềm mại và được chế tác liên tục bởi hai người thợ lành nghề trong hai ngày. Công đoạn này cần nhiều sức lực của đôi bàn tay để đảm bảo những mối đan chặt chẽ, đều đặn và chính xác nhất. Để hoàn thiện chiếc túi, nghệ nhân cần 100 sợi da dài 1,6m, tương đương với 12 tấm da lớn. Cabat không sử dụng lớp lót như mọi loại túi khác bởi hai mặt túi đều được hoàn thiện không một chút sai sót hay tì vết.
KMột khâu hoàn thiện chiếc túi Cabat của Bettega Veneta
Câu chuyện lưu truyền về kỹ nghệ “dệt” da phức tạp của Bottega Veneta còn bắt nguồn bằng những cỗ máy khâu từ buổi ban đầu, được chế tạo bởi chính các thợ thủ công của nhà mốt. Những cỗ máy ấy sinh ra để khâu những tấm da mỏng manh nhất thành những chiếc túi cực kì chắc chắn mà không người thợ thủ công nào làm được. “Gắn chặt và kết nối những mảnh vụn mỏng manh” để tạo nên những kỳ quan về kết cấu đã trở thành biểu tượng nhân văn bất hủ của thương hiệu.
Umbria – Túi được làm hoàn toàn bằng da dê French Calf. Khóa cài sử dụng vật liệu brunito màu chì kết hợp cùng họa tiết Intrecciato dập nổi trên bề mặt.
Darling – Chiếc túi kiều diễm được chế tác từ da kỳ đà đa sắc Marble Lizard kết hợp da kỳ đà ánh kim Metal Lizard.
Envelope – Chiếc xắc tay nhỏ nhắn như một bức thư tình với phần chính làm bằng da dê Capra Lissata, khóa cài bằng da cá sấu Soft Crocodile với đường rìa kim loại vàng óng nổi như dấu mộc sáp phong thư và họa tiết Intrecciato.
Lucina – Chiếc túi được chế tác trên một tấm da liền French Calf. Các nhà thiết kế trang trí góc dưới của túi bằng da đà điểu, da cá sấu kết hợp với một tấm kim loại được dập họa tiết Intrecciato.
Rialtina – Chất liệu chủ đạo của túi là da dê bóng Capra Lissata kết hợp cùng da kỳ đà mờ trong sắc xanh lá huyền bí
Cabat Giardino – Chiếc túi được tô điểm vẻ tươi đẹp huy hoàng bằng những bông hoa kết bằng da quý hiếm Ayers Livrea, Karung và Nappa với sắc đỏ san hô, hồng tía rực rỡ.
Chelsea Knot: Toàn bộ thân ví được bọc bằng da rắn nước Karung Metal phủ ánh vàng kim hoàng tộc.
Phong trào bảo vệ môi trường và hướng đến một tương lai bền vững đang là tôn chỉ mới cho mọi ngành công nghiệp. Và trong ngành thuộc da, dù muốn hay không muốn đề cập đến, việc khai thác da từ các loài động vật, dù là khi đã chết hay tệ hơn là bị giết hại khi còn sống vẫn muôn thuở là một đề tài bị tranh cãi gay gắt.
Hơn nữa, trong bức tranh về sự tuyệt chủng của hàng loạt loài động vật quý hiếm như rắn và cá sấu, da cá đã lên ngôi như một điểm sáng soi đường cho một tương lai mới – một sự thay thế tuyệt vời mà không nhiều người biết tới.
Chất liệu mới mang tính bền vững này được tạo nên từ da của nhiều loài cá khác nhau như cá hồi, cá rô và cá chép – những loài cá được tiêu thụ phổ biến cho công nghiệp thực phẩm nhưng vẫn thường bị lãng phí phần da. Da cá cho đến nay đã được công nhận là một chất liệu bền, đẹp, sở hữu nhiều đặc tính độc đáo.
“Da cá mạnh mẽ gấp 10 lần so với da thông thường bởi nó có các sợi chéo trong kết cấu. Rất nhẹ, rất mỏng nhưng vô cùng chắc chắn”- Nhà thiết kế Arndis Johannsdottir, chuyên thiết kế túi xách và giày từ da cá cho biết.
Từ xa xưa, ở vùng đất Iceland, da cá hồi đã được sử dụng trong suốt chiều dài lịch sử cho giày da, nhưng vốn rất khó thuộc vì dễ trở nên cứng hoặc giòn khô, cùng với một vấn đề lớn khác: mùi tanh đặc trưng, nên da cá không trở nên phổ biến. Ngoài ra, bởi cá là loài máu lạnh, nên khả năng chịu đựng được nhiệt độ cao rất thấp.
Tuy vậy, ngày nay, với tiến bộ của công nghệ, quy trình xử lý da cá đã cải tiến nhanh chóng, sử dụng ít chất hoá học hơn so với các chất liệu da động vật khác, giúp loại bỏ các chất gây độc hại tới môi trường như chất giặt tẩy hay axít.
Da cá rất bền, hoa văn của chất liệu phụ thuộc vào kích cỡ cũng như hình dáng của những lớp vảy tầng tầng lớp lớp (kích cỡ của lớp vảy thường từ 2mm cho tới 2cm tuỳ theo từng loài cá khác nhau), khiến chúng cực kỳ lý tưởng để chế tác thành phụ kiện thời trang. Và chúng ta hoàn toàn có thể chờ đợi một kỷ nguyên mới được làm từ da cá!
Chế tác da cá hồi
Tầng 3, Số nhà 21, ngõ 2 phố Lê Văn Hưu, Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Tel: +84 24 39369757
Fax: +84 24 39369759
Tầng 16, Harbour View Tower, 35 Nguyễn Huệ, Quận 1, HCMC, Việt Nam
Tel: +84 28 39152868
Fax: +84 28 39143768