Tìm kiếm
Close this search box.
EN

KHI HAI “RENÉ” LỚN GẶP NHAU: NHỮNG TẠO VẬT LẠ LÙNG TRONG BST PHA LÊ MAGRITTE X LALIQUE

Cùng tên, khác họ, sống chung một thời kỳ nhưng lại chưa từng gặp nhau, mối lương duyên vị nghệ thuật đã khéo léo kết nối hai nghệ sĩ đại tài René Lalique và René Magritte trong BST pha lê nổi bật nhất năm 2023 từ thương hiệu LALIQUE.

MAGRITTE X LALIQUE

René Magritte (1898 – 1967) có thể không phải nghệ sĩ ‘gối đầu giường’ của nhiều người Việt, nhưng ông đã sớm nổi danh thế giới xuyên suốt thế kỷ 20 nhờ vào những bức tranh theo trường phái siêu thực. Hẳn đã đôi lần bạn thấy bức tranh về chiếc tẩu thuốc kỳ lạ của ông? Một vài lần chiêm ngưỡng chiếc mũ quả dưa trứ danh hay những trái táo mọng lạ lùng mà chẳng hay đó chính là tác phẩm của René Magritte?

Vào năm ngoái, thương hiệu pha lê Lalique đã đưa loạt tác phẩm bất tử của Magritte vào một BST kỷ niệm 125 năm ngày sinh họa sĩ người Bỉ. Lúc sinh thời, René Magritte và René Lalique chưa bao giờ gặp mặt trực tiếp nhưng họ là một cặp đôi hoàn hảo. René Lalique là một nhà cách tân táo bạo, người tìm được cảm hứng tự do thể hiện bản ngã nghệ thuật bằng pha lê; Trong khi đó, Magritte đã phát minh ra ngôn ngữ nghệ thuật của riêng mình, thứ mà ông đã xây dựng cùng với những đạo hữu nghệ thuật trong suốt thế kỷ 20.

KHI HAI “RENÉ” LỚN GẶP NHAU: NHỮNG TẠO VẬT LẠ LÙNG TRONG BST PHA LÊ MAGRITTE X LALIQUE 1
Không dưới một tá lần Magritte dành hết tâm huyết mê say để vẽ những quả táo đeo mặt nạ kiểu Zorro. Phiên bản đầu tiên của quả táo mang mặt nạ được xuất bản trên trang bìa tạp chí View vào năm 1946, sau đó nhiều lần trở lại dưới dạng đơn lẻ, đôi khi thành cặp, có lúc xuất hiện dưới ánh nắng ban ngày với tiêu đề La Valse hésitation (Điệu Waltz do dự), và đôi khi dưới bầu trời đêm với danh đề Le Prêtre marié (Linh mục đã kết hôn)
KHI HAI “RENÉ” LỚN GẶP NHAU: NHỮNG TẠO VẬT LẠ LÙNG TRONG BST PHA LÊ MAGRITTE X LALIQUE 3
Kỳ cục và đáng yêu, trái táo Le Prêtre marié của Magritte được LALIQUE tái hiện bằng pha lê ở hai phiên bản: “đơn lẻ” và “có đôi có cặp”. Phiên bản trên ảnh được sản xuất với số lượng đặc biệt hạn chế với chỉ 50 bản được đánh số

Con hươu cao cổ đứng sừng sững trong một chiếc ly pha lê được lấy cảm hứng từ bức tranh vẽ bằng bột màu mang tên The Cut-Glass Bath. Magritte lần đầu nghĩ ra hình ảnh này vào năm 1946 để minh họa cho một tập thơ của Paul Éluard, Les nécessités de la vie et Les conséquences des rêves, précédés d’Exemples (Những điều cần thiết của cuộc sống và hậu quả của những giấc mơ, trước những ví dụ). Magritte thực hiện phiên bản thứ hai cùng năm đó, theo phong cách vay mượn từ phong trào Trường phái Ấn tượng, đặc biệt là từ tranh của Renoir. Ông tìm cách thêm thắt niềm vui, màu sắc tinh khiết và ánh sáng mặt trời để làm sống động thời kỳ hậu chiến buồn tẻ và quên đi những ký ức chiến tranh đen tối.

KHI HAI “RENÉ” LỚN GẶP NHAU: NHỮNG TẠO VẬT LẠ LÙNG TRONG BST PHA LÊ MAGRITTE X LALIQUE 5

Tạo tác pha lê từ LALIQUE nắm bắt hoàn hảo ý tưởng của Magritte – đặc trưng cho “kỷ Renoir” trong sự nghiệp sáng tác của ông. Kỳ tích tinh tế được xác lập trong việc kết hợp pha lê được đánh bóng với phần thô mộc theo đúng cách mà người họa sĩ mong muốn. Cách điêu khắc khéo léo hoàn toàn thuyết phục được người xem rằng chú hươu cao cổ này thực sự đang được đặt vào một chiếc ly nhỏ, mặc kệ mọi logic

Bức La Trahison des images (Sự phản bội của những hình ảnh, 1929) là kiệt tác đáng nhớ nhất của Magritte. Chiếc tẩu rất chân thực mang theo dòng chữ “Ceci n’est pas une pipe” (đây không phải là một chiếc tẩu) như chơi đùa với chính nguyên tắc của Magritte: “Trong một bức tranh, ngôn từ cần có cùng bản chất với hình ảnh”.

Sau khi ra đời, “La Trahison des images” đã có tác động rộng rãi và ngay lập tức nổi danh, đặc biệt là ở Paris. Cho đến ngày nay, La Trahison des images vẫn là hiện thân độc lập của Magritte, được phái sinh thêm một phiên bản pha lê mờ tuyệt đẹp từ xưởng LALIQUE.

KHI HAI “RENÉ” LỚN GẶP NHAU: NHỮNG TẠO VẬT LẠ LÙNG TRONG BST PHA LÊ MAGRITTE X LALIQUE 7

Một chuyện vui về Magritte và tác phẩm mang tên Le Bouchon d’Épouvante (Cái nút chai kinh dị – trên thực tế là chiếc mũ quả dưa đươc Magritte hô biến thành biểu tượng): Ông đã yêu cầu người sưu tầm đặt hàng “trả trước” bằng cách… tự đi mua một chiếc mũ đúng ý kèm theo một nhãn tên, và Magritte đã tự tay ký tên lên chiếc mũ sau đó.

KHI HAI “RENÉ” LỚN GẶP NHAU: NHỮNG TẠO VẬT LẠ LÙNG TRONG BST PHA LÊ MAGRITTE X LALIQUE 9
Cho tới nay, chiếc mũ quả dưa là tác phẩm duy nhất của Magritte tồn tại ở dạng cả tranh vẽ và đồ vật, và cách mà LALIQUE tái hiện nó bằng pha lê tự nhiên mô phỏng lại chính quá trình mà Magritte tạo ra tác phẩm nổi tiếng bậc nhất của chính mình. Sự kết hợp khéo léo của hai ý tưởng lớn, được “đồng lõa” bởi những hậu thế hết lòng trân trọng di sản người đi trước.

Với niềm tin mãnh liệt rằng nghệ thuật truyền thống sẽ tồn tại mạnh mẽ ngay trong kỷ nguyên số, khi tạo ra những tác phẩm độc đáo và tinh xảo như vậy, LALIQUE đã đảm bảo nguyên vẹn phong cách của cả hai ngài René: Chất liệu pha phê cao cấp nay được ứng dụng để nắm bắt những khoảnh khắc dị thường xảy ra trên tranh Magritte. Bộ sưu tập Magritte x LALIQUE là thành quả kỳ diệu của hướng tiếp cận chân phương nhưng tinh tế này.

Các tạo tác trong BST Magritte x LALIQUE đều được sản xuất với số lượng giới hạn (hoặc đặc biệt giới hạn có đánh số). Tại Việt Nam, thương hiệu LALIQUE được phân phối chính hãng bởi công ty Quốc tế Tam Sơn.