Ra mắt vào tháng Sáu vừa qua, sàn diễn Thu – Đông 2021 của Marc Jacobs đã đánh dấu sự trở lại đáng mong đợi của ông sau 1 năm dài vắng mặt.
Marc đã dành một năm để nghỉ ngơi và chiêm nghiệm lại những giá trị tinh túy nhất của bản thân trước khi tiếp tục chinh phục làng mốt quốc tế với runway kéo dài 8 phút 36 giây với 70 bộ trang phục tuyệt đẹp dành cho các quý cô.
“Grunge”, bụi bặm, quyến rũ và cầu kỳ, runway Thu – Đông của Marc Jacobs diễn ra nhanh và mạnh đúng chất Mỹ tại thư viện công cộng New York. Một màn hình khác đã phát lại show diễn tại địa điểm mặt tiền cửa hàng Bergdorf Goodman – nơi mà cậu bé Marc Jacobs năm nào đã lần đầu có những trải nghiệm mua sắm quần áo với bà của mình. Đúng như vậy, trước khi trở thành Marc Jacobs xuất chúng của thời điểm hiện tại, ông đã từng là rất nhiều thứ: Một cậu bé tò mò về thời trang; một cậu nhân viên chưa đủ tuổi lao động tại cửa hàng Charivari; gã sinh viên xuất chúng của trường thiết kế Parsons và thậm chí là giám đốc sáng tạo tại Louis Vuitton lẫy lừng.
Thuở hàn vi vất vả của “Cậu bé kỳ diệu”
Marc Jacobs được sinh năm 1963 trong một gia đình người Mỹ gốc Do Thái ở New York. Thời thơ ấu của ông gắn liền với những bất hạnh: Cha qua đời sớm, mẹ liên tiếp lao vào những cuộc hôn nhân thảm hại. Cậu bé Marc Jacobs do đó luôn cảm thấy bất mãn với mẹ mình và chuyển tới sống cùng bà nội ở Upper West Side Manhattan.
Cũng chính người bà này đã nhóm lên ngọn lửa đam mê thời trang trong Marc Jacobs khi dạy cậu bé đan lát và đưa cậu đi mua sắm tại Bergdorf Goodman. Chính khả năng đan lát này đã khiến ông được tham gia vào thiết kế áo len tại cửa hàng Charivari khi tới làm việc không công tại nơi này từ năm 13 tuổi. Chính những ngày tháng sắp xếp quần áo và diện đồ cho mannequin ấy đã giúp ông nhận ra năng khiếu và đam mê đích thực với lĩnh vực thời trang. Ông trở thành nhân viên chính thức của Charivari năm 15 tuổi, có cuộc gặp gỡ quan trọng với NTK Perry Ellis và sau đó là theo học tại Trường thiết kế Parsons – nơi ông trở thành sinh viên thiết kế của năm – khóa tốt nghiệp 1984.
Năm 1984, Jacobs thành lập công ty Jacobs Duffy Designs cùng với Robert Duffy, đặt tiền đề cho nhãn hiệu thời trang mang tên riêng của mình: “Marc Jacobs”. Ngay trong năm đầu tiên cầm trịch thương hiệu, Jacobs đã ghi danh vào lịch sử khi trở thành nhà thiết kế trẻ tuổi nhất nhận được giải thưởng danh giá Perry Ellis Award của CDFA – Hội đồng thiết kế thời trang Mỹ. Cũng từ đây, con đường danh vọng của Marc Jacobs ngày càng rộng mở trước khi bước vào những thăng trầm trong suốt sự nghiệp.
Tư duy của NTK “thích chơi trội”
Nếu có gì để nói về Marc Jacobs thì đó hẳn là tình yêu vô tư và thuần khiết mà ông dành cho phái đẹp. Thời trang của Marc Jacobs tôn vinh phụ nữ, thường xuyên xóa nhòa lằn ranh giới tính và chơi đùa với mọi giới hạn cứng nhắc của truyền thống. Chính ông cũng đam mê trang điểm, mang giày cao gót và mặc những bộ đầm ren xuyên thấu để giao lưu với khán giả trên runway – nét phù phiếm và yêu vị trí tâm điểm dưới ánh đèn dễ dàng nhận thấy ở một Bạch Dương điển hình.
Tại Marc Jacobs, thời trang gắn liền với năng lượng tươi vui, bùng nổ và cực kỳ sặc sỡ. Nếu sống ở thập niên 20, có lẽ Marc Jacobs sẽ tỏa sáng ở những bữa tiệc của Gatsby – và ở đương đại, chỗ của ông là những runway sôi động, đẳng cấp. Người ta tìm đến Marc Jacobs với những chiếc áo khoác họa tiết da báo, vòng đeo tay bản to và giày độn đế phá cách. Bản thân Marc Jacobs thừa nhận mình có “99% nữ tính” và có quyền mặc váy như bất cứ quý cô nào, và ông biết đâu là lằn ranh của vẻ đẹp thời thượng và sự phản cảm. Cá tính thời trang lạ lùng ấy khiến các quý cô chết mê chết mệt gần như tất cả mọi món đồ của Jacobs, giúp ông kinh doanh phát đạt tới mức phải phát triển thêm nhánh sản phẩm Marc by Marc Jacobs được định giá lên tới 50 triệu USD vào năm 2005.
Thành công nối tiếp thành công, Marc Jacobs được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của Louis Vuitton vào năm 1997. Đây cũng là nơi tạo nên những mối quan hệ xa xỉ của ông với loạt nghệ sĩ nổi tiếng như Takashi Murakami, Richard Prince và nổi bật nhất chính là rapper thiên tài Kanye West. Nhưng, chính áp lực trong việc đồng thời duy trì quá nhiều công việc trong cuộc sống khiến Marc rơi vào bế tắc. Phải tới năm 2001, sau rất nhiều giúp đỡ và động viên từ bạn bè, Marc Jacobs mới lấy lại được tinh thần và tiếp tục công việc. Ông rời Louis Vuitton vào năm 2013 để chuyên tâm hơn cho đứa con Marc Jacobs của chính mình. Tính tới thời điểm ấy, Marc Jacobs đã sở hữu 7 giải thưởng uy tín từ Hội đồng thiết kế thời trang Mỹ (CFDA), trong đó bao gồm danh hiệu Nhà thiết kế Thời trang nữ của năm, Nhà thiết kế thời trang nam của năm, Nhà thiết kế phụ kiện nam của năm…
Ngày về của Marc Jacobs: Thu - Đông 2021 và chủ nghĩa “Space Age” liều lĩnh
Trở lại đường phố New York sôi động với chủ đề “Happiness” – “Hạnh phúc”, không khí lạc quan và tươi vui của BST được đẩy cao hết mức có thể. Marc chọn những tông màu rạng rỡ như vàng hoàng yến, hồng neon, cam đất và cả sequin lấp lánh được thêm vào để trung hòa nét trầm ổn lịch thiệp của xám tro, đen và trắng. BST đi qua nhiều cung bậc cảm xúc: Từ giản đơn, đời thường với áo len ngư phủ, áo khoác dạ đi đường ấm áp cho nữ giới cho tới phá cách như khăn trùm đầu giống với những chiếc Hijab, kính mắt ngoại cỡ lấy cảm hứng từ đồ bảo hộ trượt tuyết và áo khoác chần bông in họa tiết Alphabet.
“Trên hành trình trở lại làm những gì chúng ta yêu thích nhất, trước sự mất mát khôn lường, cô đơn, sợ hãi, lo lắng và không chắc chắn, tôi được nhắc nhở về lý do tại sao sự sáng tạo lại quan trọng tới vậy đối với sự tồn tại của chúng ta,” Jacobs viết trong ghi chú về buổi diễn Thu – Đông 2021, qua đó bộc bạch quan điểm về cuộc sống của ông trong khoảng thời gian đại dịch. Tại thời điểm đó, ông đã có 1 năm nghỉ ngơi sau những thành công và cả đồn đoán từ làng mốt thế giới. Có người nói rằng Marc đã đánh mất chính mình, có người hoài nghi về sự trở lại của chất “grunge” đã làm nên tên tuổi của ông. Sau cùng, cũng chính Marc Jacobs là người đã một lần nữa khẳng định tên tuổi của mình sau mùa Xuân – Hè 2020 bị đánh giá là mờ nhạt và thiếu hấp dẫn.
Ở nửa sau của BST, nét bảo bọc an toàn và có phần dè dặt của từng set đồ dần có sự cởi mở, khi những người mẫu bước ra với trang phục được cắt xẻ táo bạo và quyến rũ hơn nhưng không làm mất đi tổng thể hài hòa, dễ chịu. Nếu coi runway của Marc Jacobs tái hiện một mùa Đông kiểu Mỹ thì khép lại BST chính là khúc Đông chí với sắc Xuân đã chớm, khiến cho người ta bỗng ham muốn được cởi bỏ lớp phòng thủ rụt rè trước thời cuộc. Đó hẳn chính là lý do để BST của Marc truyền đi thông điệp về sự lạc quan và hạnh phúc – thứ mà không chỉ ông đang mong mỏi và muốn lan tỏa nhất vào lúc này.
Trên thực tế, tinh thần lạc quan, tươi sáng luôn tiềm tàng bên trong các dòng sản phẩm biểu tượng đã làm nên tiếng tăm của Marc Jacobs: Từ bộ sưu tập Color đầy màu sắc được thiết kế “để tôn vinh sự thoải mái, tính sáng tạo và tinh thần tự do thể hiện bản ngã, hiện thực hóa những giấc mơ ấm áp đến chiếc túi The Tote Bag nổi bật với hình dáng đơn giản nhưng tràn đầy năng lượng, dành riêng cho những tín đồ của phong cách hiện đại, hay chiếc The Snapshot nhưng đã tạo nên tầm ảnh hưởng không nhỏ với các chi tiết phi truyền thống tôn vinh dòng nhạc rock ‘n’ roll, hay đôi giày thể thao The Jogger thách thức mọi xu hướng với họa tiết logo biến tấu ở mũi giày và những sắc màu bùng nổ táo bạo.
Marc cũng làm mới chính mình khi tung ra các thiết kế hướng đến Gen Z và mang nhiều ảnh hưởng từ thời trang đường phố nước Mỹ. Thiết kế trẻ trung và táo bạo hơn, Marc Jacobs đã đem tới tinh thần “Space Age” – “thời đại mới” của Gen Z tươi trẻ và liều lĩnh, hay cũng chính là một lần lột xác để hướng tới một giai đoạn hoàng kim mới của nhà mốt mang tên ông.
Một tin vui cho người yêu Marc Jacobs tại Việt Nam: Thương hiệu sắp được phân phối chính hãng tại Việt Nam thông qua công ty Quốc tế Tam Sơn với một cửa hàng tại TP. HCM. Tại cửa hàng của thương hiệu ở TTTM Saigon Centre, số 67 Lê Lợi, Quận 1, bạn nay có thể thoải mái shopping, thử đồ và lựa chọn những sản phẩm mới nhất của Marc Jacobs cùng lúc với tín đồ thời trang trên toàn thế giới.