PHỤ NỮ VÀ ĐỒNG HỒ: “VĨNH CỬU NHƯ THỜI GIAN”
Lịch sử ngành chế tác đồng hồ gắn liền với những người đàn ông, nhưng bạn có biết rằng chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên trên thế giới lại là tặng phẩm dành cho một người phụ nữ? Và không chỉ có đấng mày râu, các bóng hồng cũng đóng vai trò không thể thay thế trong “lịch sử của thời gian”.
Vậy là chiếc đồng hồ đeo tay hóa ra lại có nguồn gốc gắn liền với các bóng hồng. Và trong những năm tháng kế tiếp, sự hiện diện của phái đẹp đã từ từ len lỏi vào mọi ngõ ngách của ngành công nghiệp thời gian, nhẹ nhàng nắm bắt nó bằng quyền lực mềm mại của “tính nữ” chân chính.
Phụ nữ - Khách hàng ban sơ
của ngành chế tác đồng hồ
Lịch sử của bánh răng và dây cót ghi nhận phái đẹp là những khách hàng cổ xưa bậc nhất, dù là với thương hiệu nào đi nữa. Với vị Chân Vương của giới đồng hồ xa xỉ Patek Philippe, chiếc đồng hồ hình thập tự làm bằng vàng dành cho Bá Tước phu nhân Koscowicz của Hungary luôn là ví dụ tiêu biểu để nhắc về sự gắn bó giữa phụ nữ và đồng hồ. Kém nổi tiếng hơn nhưng không kém phần quan trọng, Madame Goscinska – một phụ nữ quý tộc sống ở thế kỷ 19 đã được Czapek & Cie đã trân trọng đề tên là chủ nhân của những chiếc đồng hồ đầu tiên được đăng ký trong kho lưu trữ bán hàng của Patek. Vào thời đại ấy, những quý bà thượng lưu như Madame Goscinska có thói quen đeo những chiếc đồng hồ mặt tròn được cố định bởi chiếc trâm hoặc ghim cài trang trí đính trên chiếc đầm dạ hội.
Sự tinh xảo trên từng đường nét của các món trang sức đồng hồ này là minh chứng rõ ràng cho nét đẹp thẩm mỹ thời đại Victoria, cũng như cuộc sống xa xỉ mà các mệnh phụ phu nhân ở thế kỷ 19 có đặc quyền tận hưởng. Một ví dụ nổi tiếng là chiếc đồng hồ quả quýt “Madonna of the Sedia” của Patek Philippe, sản xuất vào năm 1840. Tác phẩm kim hoàn tuyệt vời này sở hữu phần trang trí là một bức tranh tráng men thu nhỏ đặc biệt tinh xảo, mô phỏng lại tác phẩm Madonna della seggiola của họa sĩ Raphael, và được bao quanh bởi những viên kim cương. Nét đẹp thiêng liêng của tôn giáo và tính nữ dịu dàng hòa quyện trong dòng chảy thời gian bất tận, được hun đúc và thành hình để đồng hành cùng một quý cô sống cách thời đại của chúng ta tới 2 thế kỷ. Còn khởi đầu nào tuyệt đẹp hơn cho hành trình khăng khít giữa phụ nữ và những chiếc đồng hồ?
Những đóa hồng bên
“dòng thời gian”
Những cỗ máy đếm thời gian vẫn tiếp tục được phát triển trong khoảng thời gian sau đó, nhưng thú vị thay, dường như chỉ có phái đẹp mới có được đặc quyền sử dụng đồng hồ đeo tay. Mãi cho tới những năm 1880, chiếc đồng hồ đeo tay vẫn là một phụ kiện độc quyền dành cho phái đẹp, và phải tới sau khi Thế Chiến thứ nhất kết thúc, cánh mày râu mới bắt đầu ưa chuộng sử dụng món phụ kiện có bề dày lịch sử phong phú này. Các hãng đồng hồ đều sớm nhận ra: Phụ nữ là nhóm khách hàng tiềm năng bất chấp mọi định kiến giới, và bất kỳ quý ông nào cũng muốn tặng cho bóng hồng của đời mình một chiếc đồng hồ tồn tại bền lâu.
Cuộc cách mạng đồng hồ đeo tay dành cho phái đẹp diễn ra trong thế kỷ 20 cùng với thời trang cách tân, khi những chiếc tay áo được cắt ngắn hơn để lộ ra cổ tay quyến rũ của phái đẹp, đồng nghĩa với thời điểm chín muồi cho những chiếc đồng hồ đeo tay vùng lên. Và, Vacheron Constantin đã quyết định một bước đi mang tính thời đại, với chiếc đồng hồ đeo tay nữ được trưng bày tại Hội chợ thế giới ở Paris năm 1889.
Tại đây, người yêu đồng hồ đã được chứng kiến một tạo tác đồng hồ nằm trên chiếc vòng đeo tay có hình điêu khắc hai nữ thần mang những đôi cánh. Chiếc đồng hồ này cho tới nay vẫn được định danh là đồng hồ đeo tay đầu tiên của thương hiệu, với đặc điểm nguyên bản tinh tế là chuyển động xoay vòng tinh tế lướt qua dây đeo của mặt bezel nhờ vào các khía trang trí trên vành bezel – đường nét nữ tính đặc trưng được thể hiện một cách táo bạo.
Xoay tròn, luân hồi và bất tận như thời gian, phóng khoáng như giấc mơ tự do của phái đẹp – chuyển động duyên dáng như điệu vũ ballet đã truyền cảm hứng cho nhiều thương hiệu xa xỉ tiếp tục khai thác dạng thức mặt tròn cho những chiếc đồng hồ nữ.
Chopard
Happy Sport
“Kim cương hạnh phúc hơn khi được tự do”
Tuyên ngôn
nữ quyền vượt thời gian
“Kim cương hạnh phúc hơn khi được tự do” là triết lý được Karin Scheufele sáng tạo và nhanh chóng trở thành kim chỉ nam để định hình BST Chopard Happy Diamonds trứ danh. Vào năm 1976, thời điểm mà phụ nữ bắt đầu mặc quần và áo vest vai rộng đi làm để tìm chỗ đứng trong thế giới của những nghiệp đoàn nam giới, Chopard đã khai sinh ý niệm tuyệt vời về những viên kim cương hoàn toàn tự do. Trong sáng, dịu dàng nhưng rắn rỏi, mạnh mẽ, kim cương là phép ẩn dụ hoàn hảo cho tinh thần theo đuổi hạnh phúc của người phụ nữ đương thời.
Cuộc cách mạng tính nữ của Chopard không dừng lại tại đó. Tầm nhìn của Karin được con gái của bà – Caroline Scheufele – mở rộng vào năm 1993. Caroline đã nhìn ra nét tương đồng mạnh mẽ giữa phụ nữ và chất thép hiện đại, phóng khoáng, và bà đã quyết định phá vỡ quy chuẩn của đồng hồ xa xỉ khi đề xuất hình mẫu một chiếc đồng hồ nữ phi thường, phá vỡ những quy tắc cứng nhắc. Hiện đại và bền bỉ, thép mang tới cảm quan độc đáo về một chiếc đồng hồ thường nhật có thể song hành với người phụ nữ trong một thế giới không ngừng chuyển động. Khi mà phong cách biến đổi không ngừng và những cuộc cách mạng tự thân xảy ra hàng giờ, BST Happy Diamonds chính là điểm bổ sung hoàn hảo cho tinh thần truy cầu hạnh phúc vốn đã rực sáng từ những tạo tác của nhà kim hoàn đình đám này.
Kế thừa tinh thần theo đuổi hạnh phúc của những người phụ nữ thanh lịch, hiện đại, Chopard Happy Sport được ra đời như một phiên bản “thể thao hơn, mạnh mẽ hơn” của những chiếc Happy Diamond nữ tính, tinh tế. Giữ nguyên motif của những viên kim cương chuyển động tự do đại diện cho tính nữ duyên dáng và năng động trong thời đại mới, những tạo tác Chopard Happy Sport từng gây tiếng vang lớn vào năm 1993 khi được Caroline Scheufele kết hợp thép và kim cương trên một chiếc đồng hồ thể thao. Từ đây, những chiếc Happy Sports trở thành một món nữ trang thường ngày, có thể đi theo người phụ nữ tới bất cứ nơi đâu trên hành trình tràn ngập hạnh phúc và tự do. Những viên kim cương hạnh phúc dưới bàn tay chế tác của Chopard luôn xoay tròn trên mặt số như một điệu vũ ballet của những vũ công ngôi sao tự do giữa hai mặt sapphire. Happy Sport nhanh chóng trở thành một biểu tượng của thương hiệu và của ngành chế tác đồng hồ nữ trên toàn thế giới.
Ở góc độ cá nhân hơn, có thể coi Happy Sport là truyền nhân đích thực của Happy Diamonds, hay nói cách khác, là di sản mang đậm tính nữ thiêng liêng được kế thừa từ mẹ sang con gái. Và rồi, tinh thần tự do và hạnh phúc của Chopard được nhân bản trên toàn thế giới, với những gương mặt đại diện trải dài ở khắp các châu lục, ở mọi quốc gia.
“Phải là cô ấy chứ không thể là ai khác! Đối với tôi, Julia Roberts là người duy nhất có thể truyền tải trọn vẹn tinh thần của Happy Sport,” Caroline Scheufele, người đã nhào nặn nên dòng sản phẩm mang tính biểu tượng này, đã phát biểu về sự lựa chọn của mình. Đầu tàu của mảng phát triển nữ trang thương hiệu Chopard được biết tới như một người yêu điện ảnh cuồng nhiệt, đồng thời cũng là một người hâm mộ tuyệt đối của Julia Roberts.
Ở phía ngược lại, nữ minh tinh đoạt giải Oscar cũng đã thể hiện tình yêu của mình với dòng đồng hồ tên tuổi bởi Chopard: “Tôi rất vinh dự khi được hợp tác cùng Chopard nói chung và dòng đồng hồ Happy Sport nói riêng. Đây quả thực là một trong những mẫu đồng hồ mang tính biểu tượng và đáng mơ ước bậc nhất.”
“Phải là cô ấy chứ không thể là ai khác! Đối với tôi, Julia Roberts là người duy nhất có thể truyền tải trọn vẹn tinh thần của Happy Sport,”
Caroline Scheufele
Vươn mình thành biểu tượng
“Theo thời gian”, những cuộc đấu tranh cho nữ quyền và bình đẳng giới dần đi đến thắng lợi, người phụ nữ đã sẵn sàng để trở thành biểu tượng cho thời đại mới. Tấm áo có lẽ không làm nên thầy tu, nhưng một chiếc đồng hồ thì có thể trở thành biểu tượng khi được đeo trên đúng cổ tay. Đó chính là câu chuyện gắn liền với chiếc đồng hồ Piaget được cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Jacqueline Kennedy chọn đeo.
Phu nhân Jackie O được biết đến nhiều nhất với chiếc Piaget màu vàng nữ tính với mặt số màu ngọc bích và vỏ đính kim cương. Cho bộ phim tiểu sử về Jackie Kennedy vào năm 2016, Piaget đã cung cấp chiếc đồng hồ nguyên bản từ bộ sưu tập bảo tàng tư nhân của họ để nữ diễn viên Natalie Portman đeo trong phim. Đồng thời, hãng cũng phát hành một phiên bản giới hạn đặc biệt tái hiện lại chiếc đồng hồ mang tính biểu tượng này trong ba tùy chọn màu sắc dây đeo và mặt số khác nhau.
Người ta nói chiếc đồng hồ luôn phản ánh cá tính chủ nhân, và với một người như Jacqueline, vật chỉ thời gian cũng sớm trở thành biểu tượng của tinh thần kiên cường vượt qua khó khăn thảm kịch. Sự lạc quan và mạnh mẽ của Kennedy là nguồn cảm hứng để Piaget thuật lại câu chuyện của Jacqueline Lee Bouvier Kennedy Onassis bằng bộ sưu tập Limelight – đúng với định nghĩa “ánh sáng phù hoa nhưng kiên cường, mạnh mẽ”
Cùng với tinh thần của Jacqueline Kennedy, Piaget vinh danh tính nữ mạnh mẽ và sắc sảo của thời đại mới bằng nhiều tạo tác mang đậm âm hưởng nữ quyền. Dấu ấn tính nữ của Jacqueline Kennedy giống như một dấu mốc vẻ vang của những người phụ nữ trên toàn thế giới – những nữ chiến binh đang hàng ngày, hàng giờ đấu tranh trong những cuộc chiến không tên để khẳng định vị thế và bản ngã hiện đại, tự do.
Những mẩu chuyện nhỏ kể trên chỉ tường thuật lại một phần rất nhỏ của lịch sử đồng hồ và mối lương duyên yêu kiều gắn liền với phái đẹp. Cũng giống như thời gian bất tận, sự gắn kết giữa phụ nữ và đồng hồ là một phần quan trọng tất yếu của lịch sử – giống như những lời mà thương hiệu Vacheron Constantin đã trân trọng đề tựa: “Phụ nữ và đồng hồ – vĩnh cửu như thời gian.”