Tìm kiếm
Close this search box.
EN

Tình yêu, vương miện và ánh gươm

Ngày nay, quảng trường Vendôme, thủ đô Cộng hoà Pháp là ngôi nhà của nhiều thương hiệu xa xỉ với bề dày lịch sử lâu đời. Thế nhưng, không nhiều trong số đó từng chứng kiến mối tình của một hoàng hậu Pháp, ba cuộc cách mạng và một Paris vắng bóng tháp Eiffel, như Chaumet.

1780 – 1815:
Nhà kim hoàn của đế chế và nàng thơ

Năm 1780 – gần 100 năm trước khi tháp Eiffel vặn con ốc đầu tiên – Marie-Étienne Nitot thành lập nhà chế tác sau này mang tên Chaumet. Nếu không có thuốc súng và lưỡi gươm của những người Pháp yêu tự do – bình đẳng – bác ái, câu chuyện của Chaumet chắc chắn sẽ rất khác. Bởi khi ấy, Joséphine de Beauharnais có lẽ sẽ không gặp gỡ một chỉ huy quân đội trẻ tuổi mang họ Bonaparte.

Nhưng xúc xắc định mệnh đã gieo. Cuộc cách mạng Pháp vĩ đại năm 1789 đưa Napoléon đến với nàng thơ Joséphine, tiểu thư nổi tiếng khắp giới thượng lưu Paris, người đã nắm giữ trái tim của ông suốt những năm tháng sau này. Tình yêu giữa họ cháy bỏng trên từng lá thư, bất chấp, mối tình ấy cũng trắc trở như bao chuyện tình khác.

Tình yêu, vương miện và ánh gươm 1
Marie-Étienne Nitot, thợ kim hoàn hoàng gia và nhà sáng lập thương hiệu Chaumet
Tình yêu, vương miện và ánh gươm 3
Tình yêu, vương miện và ánh gươm 5
Lễ đăng cơ của Napoléon Bonaparte và Joséphine, cùng thanh kiếm đăng quang

Năm 1805, Napoléon lên ngôi. Marie-Étienne Nitot kiến tạo ánh gươm mở đường cho đế chế Pháp – thanh kiếm đăng quang đính 141 cara kim cương Regent. Joséphine đáp lại tình yêu của hoàng đế khi trở thành hoàng hậu Bonaparte. Trong gần hai thập kỷ sau đó, định mệnh của người thợ kim hoàn hoàng gia, đế chế và Joséphine lẫn Napoléon đã gắn chặt với nhau.

Joséphine, nàng thơ hết lòng yêu thiên nhiên và nhà bảo trợ nghệ thuật tận tuỵ, quý cô thời thượng là biểu tượng sống của thành Paris. Napoléon, thông minh khác người, vô cùng dứt khoát, làm việc không biết mệt mỏi và tham vọng đến ngông cuồng; một đứa con đích thực của triết học, luôn vây quanh mình những cá nhân kiệt xuất. Những phẩm chất ấy luôn hiện diện trong tinh thần Chaumet.

Tình yêu, vương miện và ánh gươm 7
Tình yêu, vương miện và ánh gươm 9
Trong bức chân dung của B. F. Gérard, hoàng hậu Joséphine đeo cặp bông tai Chaumet

Đế chế trỗi dậy rồi suy tàn. Song tình yêu giữa hai người sống mãi như biệt danh sau này “a love affair for the ages”. Joséphine vẫn là nàng thơ của Chaumet, của những chiếc vương miện tiara và những “khu vườn” lấp lánh được yêu thích đến ngày nay.

Thế kỷ XX – Ngày nay:
Chaumet viết tiếp câu chuyện nhiệm màu

Những cuộc cách mạng không chỉ diễn ra bên ngoài quảng trường bát giác, mà còn tiếp diễn bên trong những căn phòng hôtel particuliers. Năm 1907, Joseph Chaumet chuyển trụ sở thương hiệu về số 12 Vendôme. Toà nhà trở thành cánh cửa mở ra mọi thời kỳ của phong cách Paris và nghệ thuật trang sức nơi đây.

Tình yêu, vương miện và ánh gươm 11
Trụ sở Chaumet tại 12 Place Vendôme, Paris, Pháp
Tình yêu, vương miện và ánh gươm 13
Anne Hathaway đội tiara Bourbon-Parme trong phim Nhật ký công chúa (2001)

Xuyên suốt lịch sử, Chaumet đã chế tác hơn 3.500 mẫu vương miện tiara. Chiếc nổi tiếng nhất trong số đó, Bourbon-Parme, cũng chính là vương miện mà Anne Hathaway đã cài lên mái tóc trong bộ phim Nhật ký công chúa (2001).

Thập niên 2010 chứng kiến hai thiết kế biểu tượng cho thương hiệu lên ngôi. Bộ sưu tập duyên dáng mượn tên hoàng hậu với giác cắt giọt lệ nổi tiếng, Joséphine; và trang sức góc cạnh mang biểu tượng loài ong của Napoléon, Bee My Love.

Năm 2018, Chaumet lựa chọn nữ diễn viên Hàn Quốc, Song Hye Kyo trở thành đại sứ thương hiệu, đánh dấu tầm ảnh hưởng toàn cầu của thương hiệu Pháp hơn 240 năm tuổi. Từ câu chuyện của tình yêu, vương miện và ánh gươm thành Paris, giờ đây, Chaumet kể tiếp câu chuyện lộng lẫy và nhiệm màu của mình qua hơn 200 cửa hàng trên khắp thế giới, với Hà Nội là điểm hẹn mới nhất.

Tình yêu, vương miện và ánh gươm 15
Trang sức Bee My Love