Trên nền móng của những bộ chuyển động siêu mỏng, các nhà thiết kế của Piaget đã thể hiện quan niệm của mình về sự thanh lịch đầy mới mẻ, từ đó chạm đến trái tim của những cá nhân kiệt xuất. Sự gặp gỡ đó đã tạo ra một cộng đồng, được biết đến với cái tên “Piaget Society”
Cũng giống như hầu hết các ngành công nghiệp hoạt động trong thế giới xa xỉ, ngành sản xuất đồng hồ Thuỵ Sỹ không tồn tại trong môi trường chân không. Nghệ thuật và văn hoá trong mỗi thập kỷ nối nhau của thế kỷ 20 chắc chắn đã có nhiều ảnh hưởng đến loại đồng hồ chủ lưu của giai đoạn. Tuy nhiên, Piaget (như chính họ khẳng định) không ngừng theo đuổi các bộ chuyển động siêu mỏng nên đã tạo ra sự thúc đẩy sáng tạo thẩm mỹ theo một quỹ đạo đặc biệt, có phần tách biệt – được khảm lên bởi vàng, đá bán quý và những chủ thể thiết kế đầy thách thức để chế ngự.
Mặc dù chắc chắn không nên gọi Piaget là một nhà chế tác kim hoàn với đam mê trong lĩnh vực đồng hồ cơ học, nhưng cũng không cần phải chối bỏ sự thật rằng kỹ nghệ chế tác của họ có nguồn gốc sâu xa từ lĩnh vực trang sức. Từ năm 1961- 1972, thế hệ thứ ba của gia đình (do anh em Valentin và Gerald lãnh đạo) đã mua lại ba xưởng chế tác khác nhau tại Genève, cho phép họ củng cố thêm chuyên môn trong lĩnh vực chế tác đá quý và kim loại. Đặc biệt, sự thu nạp Ponti Gennari (một nhà kim hoàn và chế tác dây đeo tay, cùng thời đại với Gay Frères) đã đưa Piaget tiếp cận với tài năng to lớn của Michel Grantcola – bậc thầy chế tác dây chuyền, người sẽ tiếp tục tạo ra hàng chục chiếc đồng hồ vòng ôm phức tạp, lấy cảm hứng từ sự rực rỡ không định hình của phong trào avant-garde.
Aurel Bacs, một nhà đấu giá kỳ cựu – được biết đến nhiều với danh hiệu người đàn ông đã bán chiếc Daytona “Paul Newman” đắt nhất thế giới – là một người có sự quan tâm sâu sắc đến Piaget. Cùng với nỗi “ám ảnh” về độ mỏng, tinh thần nghệ thuật mà Piaget đang theo đuổi trong thiết kế và đồng hồ trang sức (thường được kết hợp) đã tấn công vào trung tâm của chủ nghĩa khổ hạnh thường thấy trong ngành đồng hồ Thuỵ Sỹ. Như Bacs đã nói:
Sự thiếu vắng những cơ chế cầu kỳ trong bộ chuyển động như mẫu 12P đã là động lực để Piaget trau dồi kỹ nghệ chế tạo đồng hồ theo một lối khác, với tất cả những yếu tố mà Bacs đã nhắc tới – khảm đá quý, năng lực chế tác kim loại quý, tinh thần tận hưởng cuộc sống tuyệt vời – đúc tạo trong “Bộ sưu tập của Thế kỷ 21”. Được nhắc tới như những chiếc đồng hồ trang sức đầu tiên của thương hiệu (1969), nó cũng được nhấn mạnh như một thử nghiệm quan trọng cho Piaget Design Studio, nơi đã tạo ra những chiếc đồng hồ “ẩn mật” – thường được giấu lẫn trong những món đồ trang sức lộng lẫy, được chế tác phức tạp. Đây cũng là một nội tại khác của phong cách Piaget: đồng hồ như một đối tượng của nghệ thuật.
Nhu cầu sở hữu những đồng xu, khuy măng sét, dây xích, thậm chí là dạng thỏi có khả năng theo dõi thời gian xuất phát (một phần) từ sự khao khát đối với kim loại quý. Năm 1957, Piaget quyết định chỉ làm việc với vàng và bạch kim. Hãy thử tưởng tượng sự lo lắng của những nhà chế tác và điều hành các thương hiệu đồng hồ Thuỵ Sỹ tầm trung – những người mà với họ, lựa chọn này có phần rủi ro và không hề vui vẻ. Tuy nhiên, vào giữa thế kỷ 20, cơn sốt đồng hồ thể thao bằng thép với dây đeo tích hợp vẫn chưa lan rộng toàn cầu; và những nghệ nhân Piaget được khuyến khích để đẩy kim loại quý lên những đỉnh cao biểu hiện. Bắt đầu từ những năm 1960, những chiếc vòng ôm cổ tay và dây đeo dạng “brick link” đầy mê hoặc của Piaget Design Studio (hầu như được rèn hoàn toàn từ vàng trắng hoặc vàng kim) là phản chiếu nguyên mẫu cảm hứng: đa phần đi theo chủ đề vân gỗ, sương giá hay bề mặt của nước. Một vài sáng tạo khác mô phỏng vẻ ngoài mềm mại và đặc trưng của hàng dệt len và lụa.
Piaget không phải nhà chế tác đồng hồ duy nhất thể hiện hứng thú với xu hướng thử nghiệm trong thời kỳ này. Trong giai đoạn những năm 1970 và 1980, cả Cartier và Patek Philippe đều đắm chìm với sự ra đời của những chiếc đồng hồ với hình dáng khác thường (ví dụ như “Crash”. “Ellipse”…), trong khi đó Rolex biểu diễn sự lạc quan của số động thông qua một dải mặt số đá đầy màu sắc. Điều tạo nên sự khác biệt cuốn hút của Piaget là quỹ đạo sáng tạo mà họ đã xác định, từ đó cho ra đời phong cách đặc biệt mang dấu ấn của mình.
Theo Philippe Léopold-Metzger, cựu Giám đốc điều hành của Piaget từ năm 1999-2017, có một lời giải thích khá đơn giản cho đam mê của thương hiệu với những viên đá quý/ đá bán quý đầy màu sắc trong những năm qua:
Tất nhiên, điều kiện duy nhất được đặt ra với những chiếc mặt đồng hồ với mặt số có đá – phải “thanh lịch”, một yêu cầu tưởng chừng đơn giản nhưng lại rất khó xác định. Léopold-Metzger chia sẻ: “Sự thanh lịch có thể có nhiều cách thể hiện khác nhau, nhưng điều quan trọng là cách thực hiện phải luôn được hoàn thành ở mức độ hoàn hảo. Một sự pha trộn mềm mại giữa lý trí và hào hoa, của thẩm mỹ nam tính và nữ tính.”
Từ năm 1963-1973, hơn 30 loại đá bao gồm malachite, ngọc bích, lapis-lazuli đã được sử dụng để tạo điểm nhấn cho những chiếc đồng hồ siêu mỏng với bộ máy 9P. Trong thập kỷ sau đó, những vật liệu này đã được sử dụng để phục vụ cho những thiết kế lộng lẫy hơn, bao gồm những chiếc có đĩa chia vùng xoay để hiển thị giờ, hoặc những chiếc đồng hồ dual-time sử dụng các loại đá tương phản (ví dụ mã não và san hô) để tạo ra hiệu ứng hình ảnh tuyệt đẹp.
Sự chối bỏ phong cách thiết kế đại trà và tập trung vào cải thiện bộ máy cơ học mỏng manh là lý do để Piaget nên được trân trọng bởi những tính cách không khoan nhượng tương đồng. Nhưng, khác với chúng ta thời hiện đại, quá trình nâng cao tầm vóc của thương hiệu không thể được thực hiện dễ dàng với mạng xã hội và điện thoại di động. Để tạo lập một cộng đồng của những người bảo trợ có cùng tầm nhìn – nguyên mẫu của tiếp thị qua người có ảnh hưởng – các đại sứ của thương hiệu phải đi rất xa, với chi phí cá nhân lớn với rủi ro không thành công. Trong số những sứ giả truyền bá phúc âm về sự thanh lịch và đam mê trên cổ tay, Yves Piaget chắc chắn là người có nhiều thành tựu nhất. Là người thuộc thế hệ thứ tư của Piaget (con trai của Gerald), Yaves được đào tạo như một kỹ sư vi cơ khí ở Thuỵ Sỹ, trước khi tiếp tục theo đuổi ngành đá quý ở Los Angles. Là một người đàn ông bị kẹt giữa thế giới Mới và Cũ – theo đúng nghĩa đen – Yves nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của việc định vị các tạo tác của gia đình mình theo hướng tốt nhất có thể – một nỗ lực có thể vươn tới thông qua thúc đẩy mối quan hệ với nghệ thuật, âm nhạc và điện ảnh.
Hai trong số những lần xuất hiện quan trọng của thương hiệu trước mắt công chúng là vào năm 1966, với sự giúp đỡ của Maurice Chevalier và Alain Delon. Chuyện kể rằng Yves Piaget đã đến gặp Chevalier tại tư dinh của ông ở Marne-la-Coquette. “Trước ánh mắt ngạc nhiên của tôi”, Yves nhớ lại, “cánh cửa đã được đích thân Maurice mở ra!” Piaget được cho là đã nhanh chóng trở thành bạn bè với nghệ sĩ nổi tiếng người Pháp – thậm chí còn thuyết phục được anh biểu diễn cho 250 khách hàng của thương hiệu ở Gstaad vào năm sau đó. Chiếc đồng hồ gắn liền nhất với Chevalier là Ref.9401: một thiết kế siêu mỏng được bọc bằng vàng trắng, có từ năm 1970. Hiện được lưu giữ trong bộ sưu tập riêng của Piaget, chiếc đồng hồ là hiện thân thanh nhã của các quy tắc phong cách thịnh hành lúc bấy giờ: một dây đeo với cấu trúc “brick-link” (các mắt xích nhỏ xếp sát nhau), vành bezel và mặt số hiển thị hoạ tiết guilloché, được thực hiện với một tỷ lệ xuyên suốt toàn bộ chiếc đồng hồ.
Năm 1966 cũng đánh dấu sự ra mắt bộ phim chiến tranh hoành tráng mang tên “Is Paris Burning?” – một tác phẩm hợp tác giữa Pháp và Mỹ do Francis Ford Coppola và Gore Vidal chấp bút. Trong buổi ra mắt bộ phim, nam diễn viên chính Alain Delon – ở đỉnh cao sự nghiệp lúc bấy giờ – đã mang chiếc Ref.12103, chiếc đồng hồ 34mm với mặt số Clous de Paris, thể hiện sự gắn bó của gia đình Piaget với cách thể hiện tinh tế, chính xác của đồng hồ cho nam giới. Trái ngược hoàn toàn với phần lớn các đồ dùng được sử dụng trên thảm đỏ ngày nay, chiếc 12103 là tài sản riêng của Delon. Điều đó đã góp phần củng cố sức ảnh hưởng của chiếc đồng hồ này, và ngôn ngữ thiết kế của nó đã trở thành nền tảng cho Altiplano về sau.
Bất kỳ sự mô tả nào về “Piaget Society” đều sẽ là thiếu sót, nếu không đề cập đến những chiếc đồng hồ “ẩn mật” – cụ thể là những chiếc đồng hồ thuộc sở hữu của Salvadore Dalí và Andy Warhol. Năm 1967, Piaget thành công mua lại quyền sản xuất Dali D’OR: các thiết kế theo phong cách numismatic được đúc kết theo bốn giá trị khác nhau, mang theo tinh thần tương đồng với nhà sáng tạo siêu thực lừng danh người Tây Ban Nha, cùng với hình ảnh của vợ ông – Gala. Những tạo tác tái sản xuất được uỷ quyền này (được coi là bao gồm một số ít đồng hồ, đồ trang sức và phụ kiện) được coi là một bước đi đương nhiên, khi vào thời điểm đó, Piaget đã sản xuất những chiếc đồng hồ “ẩn mật” được trang bị các bộ máy siêu mỏng trong ít nhất hai thập kỷ. Các khuynh hướng thẩm mỹ của bộ sưu tập dựa nhiều vào niềm đam mê trong suốt sự nghiệp của Dalí với chủ nghĩa thần bí và hình học thần thánh. Theo lời thừa nhận của chính Dalí, “việc chuyển đổi vật chất thành vàng là mối bận tâm vĩnh viễn (của tôi)”, cũng là sự khuyến khích cho Piaget tập trung sử dụng vàng 18K và vàng 22K để tái tạo tinh thần của ông trên bề mặt của vòng tay, nhẫn signet và khuy măng sét.
Mối liên hệ đầy nhân văn đó với Dalí cũng tương đồng với nghệ sĩ người Mỹ Andy Warhol. Người sáng lập Interview là một nhân vật nổi tiếng trong Piaget Society những năm 1980; và trên thực tế đã bắt đầu đồng hành cùng thương hiệu trước đó gần một thập kỷ. Theo những lưu trữ của thương hiệu, Warhol được ghi nhận đã sở hữu ít nhất 10 chiếc đồng hồ Piaget trong suốt cuộc đời của mình: sự chiết trung trong thiết kế của Piaget phần nào phản ánh phong cách sưu tập “hỗn loạn nhưng lại rất có trật tự” của ông. Là một người đấu tranh cho sự công nhận giá trị nghệ thuật của văn hoá đại chúng, không có gì ngạc nhiên khi Warhol quan tâm đến đồng hồ quartz. Trong số những mẫu mà Warhol sở hữu – hiện đang nằm trong bộ sưu tập riêng của Piaget – có những chiếc được vận hành bởi bộ máy kết quả dự án Beta 21, cũng như máy in-house 7P.
Dù được biết đến như một người đeo Rolex và Patek Philippe nổi tiếng, Warhol thường chuyển sang đeo Piaget vì những thiết kế phá cách mà các thương hiệu kia không sản xuất. Minh chứng rõ nhất của điều này là Ref.9088 – được biết đến nhiều hơn với biệt danh “thỏi vàng”. Là một chiếc đồng hồ đúng với biệt danh của nó, 9088 chắc chắn đã thu hút Warhol khi có kiểu dáng và kích thước giống với tác phẩm Time Capsules nổi tiếng của ông.
Tất nhiên, 9088 đã là một phần di sản lâu đời của Piaget, mà chiếc Warhol sở hữu là một ví dụ khá điển hình: kết hợp bộ chuyển động 9P siêu mỏng, lên cót thủ công với kết cấu vỏ hai mảnh. Bản thân chiếc đồng hồ này được làm bằng vàng 18K và giấu bằng một bản lề lò xo. Đổi lại, bộ vỏ chứa đựng cỗ máy thời gian này được làm bằng vàng 24K, với một nắp trượt để bảo vệ khi không cần xem giờ. Trong số tất cả những chiếc đồng hồ Warhol sở hữu được ghi nhận, chắc chắn 9088 là chiếc đồng hồ ấn tượng nhất với phong cách kỳ lạ nhưng không kém phần trang nhã của Piaget. Đồng hồ du lịch, đồng hồ ẩn mật, một tác phẩm thiết kế: hãy gọi tên nó theo cách bạn muốn – trong mọi trường hợp, giống như hầu hết các sáng tạo khó quên của Piaget, không ai có thể trách bạn vì một cái tên táo bạo.
Tầng 3, Số nhà 21, ngõ 2 phố Lê Văn Hưu, Phường Phạm Đình Hổ, Quận Hai Bà Trưng, Thành phố Hà Nội, Việt Nam
Tel: +84 24 39369757
Fax: +84 24 39369759
Tầng 16, Harbour View Tower, 35 Nguyễn Huệ, Quận 1, HCMC, Việt Nam
Tel: +84 28 39152868
Fax: +84 28 39143768