Tìm kiếm
Close this search box.
EN

Góc nhìn

Hanoia: dùng sơn mài để kể chuyện với thế giới

Năm 1998, Việt Nam gia nhập Diễn đàn hợp tác khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, mở đầu cho bước phát triển mới trong tiến trình hội nhập của đất nước. Cùng năm đó, tại Bình Dương, Rose Morant, một nhà thiết kế Pháp đã cùng với nhóm nghệ nhân của mình viết lên câu chuyện mới về sơn mài Việt Nam, và mang Việt Nam đến với thế giới theo một cách khác.

Gần 20 năm sau đó, thương hiệu Hanoia mới ra đời, nhưng Rose Morant chính là người đã khơi nguồn cảm hứng cho câu chuyện sơn mài Hanoia. Hành trình đó bắt đầu từ một ngôi làng thủ công truyền thống ở Bình Dương (Tp. Hồ Chí Minh), nhưng Rose Morant và nhóm 6 nghệ nhân đầu tiên không đơn thuần lặp lại dấu chân của các bậc tiền nhân.

Họ đã nỗ lực tạo nên một trải nghiệm mới, nơi chất lượng luôn được tôn vinh, nơi từng chi tiết mang tâm tình của người nghệ sĩ, nơi xúc cảm là đích đến cuối cùng.

Đơn hàng đầu tiên – 2000 đôi guốc sơn mài – đã ra đời trong một không gian đơn sơ, với những tấm liếp, giá tre tại sân nhà chú Tư Lọ. Một trong những thương hiệu thủ công cao cấp nhất Việt Nam đã đặt những bước đi chập chững như vậy.

Các đơn hàng dần đa dạng hơn: từ những món đồ sơn mài nhỏ, cho tới khi xác lập vị trí với dòng sản phẩm sơn mài trên chất liệu sừng – một kỹ thuật sau này đã trở nên phổ biến trên toàn thế giới – đã trở thành những viên gạch tiếp theo cho giấc mơ tại đây.

Để rồi, năm 2008, xưởng Thiên Hồng được mở cửa, với 50 nhân công và dần trở thành nhà cung cấp uy tín cho nhiều nhà mốt Châu Âu danh tiếng.

Thiên Hồng về với mái nhà Openasia năm 2010, nối tiếp ước vọng trong một hình hài lớn hơn. Năm 2013 là một dấu mốc mới đối với các nghệ nhân sơn mài Thiên Hồng: sự thành công của bộ sưu tập trang trí nội thất Art de Vivre, dẫn tới sự ra đời của xưởng Thiên Hồng – Hà Nội với hơn 70 nhân công tại làng nghề Hạ Thái, cái nôi của sơn mài miền Bắc.

Hanoia: dùng sơn mài để kể chuyện với thế giới 1

Nghệ nhân thực hiện kỹ thuật vẽ tranh trên sơn mài

Những sản phẩm đầu tiên trong thời kỳ này chính là những chiếc khay sơn mài, được liên tục đổi mới và phát huy về mặt kỹ thuật: từ khay trơn, rồi khắc, rồi vẽ tay hình ngựa lần đầu tiên… cho tới tận bây giờ.

Tháng 11 năm 2015, trong tuần lễ trà phố cổ, thương hiệu Hanoia và bộ sưu tập đồ trang trí nội thất – trang sức lần đầu tiên được giới thiệu trong không gian ngôi nhà cổ 87 Mã Mây.
Những hộp trà, những bình hoa, những đế nến được ra mắt tại đây, sau 3 năm vẫn vẹn nguyên sức sống và vững vàng ở vị trí best-seller với các khách hàng đam mê nghệ thuật sơn mài hiện đại.

Hanoia dựa vào những người thợ thủ công và các nhà thiết kế để xây dựng cho mình một ngôn ngữ sơn mài hoàn toàn mới

Hanoia: dùng sơn mài để kể chuyện với thế giới 3

Nghệ nhân thực hiện kỹ thuật vẽ tranh trên sơn mài

Hanoia: dùng sơn mài để kể chuyện với thế giới 5

Những hộp trà – sản phẩm best-seller của Hanoia qua nhiều mùa

Một năm sau, “ngôi nhà” Hanoia House ra đời trong khuôn viên đình cổ Đồng Lạc chính thức đánh dấu giai đoạn “bùng nổ” của thương hiệu, thêm một bước nữa hiện thực hoá giấc mơ đưa sơn mài Việt Nam đương đại đến với công chúng trong và ngoài nước.
Mỗi ngày, tại Hanoia, những người thợ sơn mài tài hoa và khéo léo vẫn tiếp tục phát huy các kỹ thuật thủ công truyền thống và không ngừng cách tân, đổi mới để xây dựng một thương hiệu thủ công cao cấp hàng đầu Việt Nam.

Tôn vinh nét độc đáo của các chất liệu thuần Việt, Hanoia làm sống lại những cảm hứng cổ xưa và nền văn hoá Á Đông thông qua những hình khối, sắc màu, hoa văn và kỹ thuật đương đại.

Các dòng sản phẩm mới hối hả ra đời, độc đáo về hoa văn, kiểu dáng, sắc màu và phong phú về chủng loại. Thương hiệu Hanoia, với thế mạnh là sơn mài, được mở rộng trên các chất liệu khác, như Lãnh Mỹ A, giấy dó, mây tre đan, gỗ, đá… Mỗi dòng sản phẩm đều chứa đựng trong mình triết lý về vẻ đẹp mang tính đương đại hoà trộn với sự tinh tế của những bí quyết thủ công truyền thống. Bởi vậy, chúng không chỉ hấp dẫn khách du lịch nước ngoài, mà còn làm say lòng người Việt, trở thành niềm tự hào khi nhắc tới cái tên trìu mến: Hanoia.

Hanoia: dùng sơn mài để kể chuyện với thế giới 7

BST lụa Lãnh Mỹ A 2017

Tháng 11 năm 2018, sau 3 năm gặp gỡ công chúng, Hanoia đã có 8 cửa hàng, 2 xưởng sản xuất với hơn 300 nghệ nhân và bộ máy nhân sự văn phòng gần 50 người ở cả Hà Nội và TP.HCM. Thế nhưng, đó chưa phải đích đến cuối cùng: Hanoia vẫn đang ngày ngày viết tiếp câu chuyện được bắt đầu từ 20 năm trước, câu chuyện đem những “bàn tay vàng” của Việt Nam ra thế giới, câu chuyện về sự đam mê với cái đẹp, sự tinh tế trong thủ công và sự hoàn hảo ở quy trình chế tác gặp gỡ nhau qua ngôn ngữ sơn mài.

Follow Us on