Tìm kiếm
Close this search box.
EN

“Quiet luxury”: Khi sự khiêm nhường ẩn chứa nét cao sang

Tạm quên câu chuyện về những logo bóng bẩy, những dấu ấn thương hiệu được in khắp trang phục, chúng ta cùng đến với một khái niệm mà không phải ai cũng biết tới: Quiet luxury.

QUIET LUXURY

Có câu thành ngữ: “Tiền xu kêu lớn hơn tiền giấy”, ý muốn nói rằng những thứ giá trị càng cao lại càng khiêm nhường. Câu thành ngữ này đúng với trường hợp của “Quiet luxury” – sự sang trọng toát ra một cách lặng lẽ. Khi mà xu hướng logomania, những ký tự đầy tính tuyên ngôn của các nhà mốt đã trở nên quen thuộc với giới mộ điệu, thì sự sang trọng ấy lại một lần nữa tìm được thế thượng phong.

“Quiet luxury”: Khi sự khiêm nhường ẩn chứa nét cao sang 1

“Im lặng là vàng”

Bước tới khoang thương gia hạng nhất, hình ảnh đập vào mắt bạn có thể là chiếc túi da đen đơn giản hay những bộ cánh ít màu sắc tới mức đáng ngạc nhiên. Nhưng chỉ có người “sành mặc” mới biết rằng, chiếc túi đen ấy là mẫu Hermès Kelly có giá gần 10.000$, còn những bộ cánh giản tiện kia lại thể hiện sự hoàn hảo tới từng đường kim mũi chỉ.

Cũng giống như những tỷ phú có lối sống ẩn dật, ngại khoe khoang khối tài sản của mình, hàng hiệu thuộc nhóm “quiet luxury” luôn giữ được sự yên ắng đặc trưng. Thay vì nổi bật với hàng loạt họa tiết cách điệu tên thương hiệu, sản phẩm không được in logo, chẳng có lấy một dấu hiệu cho thấy chúng tới từ nhà mốt nào. Mọi tinh hoa của món đồ sang trọng nhưng khiêm nhường đều nằm ở độ đắt tiền của chất liệu, kỹ thuật xử lý vải, màu nhuộm, thiết kế độc bản hay những phát kiến xuất chúng chưa từng có trong ngành thời trang.

“Quiet luxury”: Khi sự khiêm nhường ẩn chứa nét cao sang 3

Thoạt nhìn, nhiều người sẽ lầm tưởng đây là chiếc áo cổ lọ thông thường. Trên thực tế, mẫu áo mà Steve Jobs ưa thích đến từ thương hiệu ISSEI MIYAKE, được làm từ chất liệu nylon ripstop và không có ve áo, tay áo có thể được kéo ra để biến đổi thành áo khoác. Chiếc áo thể hiện một bước tiến lớn trong công nghệ thời trang, đích thực là xa xỉ phẩm được giới mộ điệu trọng vọng

Thay vì đơn thuần thể hiện rằng chủ nhân của chúng hào phóng trong cách chi tiêu, “quiet luxury” lặng lẽ truyền đạt gu thẩm mỹ tinh tế, tầm nhìn sâu rộng của một người yêu thời trang bền vững. Maja Dixdotter, Giám đốc Sáng tạo của thương hiệu By Malene Birger, chia sẻ: “Tôi tin rằng cảm giác sang trọng đến từ sự hài hòa của tổng thể trang phục. Sự hài hòa của bảng màu, của chất liệu vải, phom dáng trang phục hay cách từng mảnh ghép trên mỗi bộ quần áo liên kết với nhau. Một bộ trang phục sẽ trở nên sang trọng và bắt mắt nếu nó hoàn hảo tới từng chi tiết”.

Ngày càng nhiều đối tượng khách hàng thuộc giới siêu giàu ưa chuộng “quiet luxury”. Để đáp ứng nhu cầu tăng cao, cũng như không bỏ sót cơ hội phát triển ở địa hạt này, nhiều thương hiệu đã làm nên tên tuổi khi tạo ra cho mình “sự yên lặng xa xỉ”.

“Quiet luxury”: Khi sự khiêm nhường ẩn chứa nét cao sang 5
Trải qua gần 2 thế kỷ kiến tạo nên sự thực dụng trong thời trang, Hermès vẫn được coi là thương hiệu đi đầu của ngành hàng này. Phủ nhận bản thân là một nhãn hiệu thời trang, tạo ra quần áo với mục đích thực dụng nhất và đưa vào từng sản phẩm bộ mã gen đặc trưng, Hermès khéo léo xây dựng tính sang trọng mà không cần “đao to búa lớn”.
“Quiet luxury”: Khi sự khiêm nhường ẩn chứa nét cao sang 7
Bottega Veneta có cú lội ngược dòng ngoạn mục, khi trở thành một trong những thương hiệu xa xỉ được tìm kiếm nhiều nhất năm 2022. Dòng túi xách đan da thuộc Intrecciato là tuyên ngôn về thẩm mỹ đương đại của Gen Z.
“Quiet luxury”: Khi sự khiêm nhường ẩn chứa nét cao sang 9
Bên cạnh những chiến dịch đại chúng nhằm tiếp cận tệp khách hàng thuộc thế hệ Z, LOEWE vẫn bảo toàn những sản phẩm xa xỉ thầm lặng.
“Quiet luxury”: Khi sự khiêm nhường ẩn chứa nét cao sang 11
Là thế hệ non trẻ nhưng The Row không nhún nhường ở địa hạt thời trang. Các thiết kế của bộ đôi Mary Kate và Ashley Olsen mang phong cách tối giản đặc trưng, giúp The Row trở thành thương hiệu định hình thời trang thế hệ mới.

Không chỉ là xu hướng nhất thời

Suy thoái kinh tế năm 2023 là thời điểm để những thương hiệu như Hermès hay Bottega Veneta được đà phát triển. Theo trang The Business of Fashion, người tiêu dùng thông minh sẽ nhắm tới những mặt hàng xa xỉ có tính thiết thực cao, hoặc có thể là khoản đầu tư sinh lời, bởi đó là cách để họ đối phó với những biến động của kinh tế cũng như tình trạng lạm phát.

Khác với những xu hướng ngắn hạn đến rồi lại đi, “Quiet luxury” là định hướng sống rõ ràng, tồn tại theo năm tháng. Nhiều khách hàng thuộc tầng lớp thượng lưu đòi hỏi những sản phẩm thanh lịch, đơn giản nhưng hoàn hảo tới từng chi tiết. Chính việc sử dụng những sản phẩm có có tuổi thọ cao là cách để họ giảm tiêu thụ quá mức (overconsumption), từ đó góp tiếng nói nhằm ủng hộ thời trang bền vững.

“Quiet luxury”: Khi sự khiêm nhường ẩn chứa nét cao sang 13

Sau đại dịch, con người có xu hướng giản lược những phụ kiện hay chi tiết thừa thãi trên trang phục. Tương tự như sau thời điểm suy thoái kinh tế cuối thập niên 90, xu hướng tối giản và chi tiêu hợp lý hướng người tiêu dùng tới cách mua sắm thông minh, đầu tư vào những món đồ đắt tiền nhưng tuổi thọ cao, có thể được sử dụng trong nhiều hoàn cảnh. Leandra Medine Cohen, BTV thời trang của trang Man Repeller, cho rằng: “Những món đồ ‘quiet luxury’ giúp tôi không cần phải mua sắm quá nhiều mà vẫn có đủ quần áo cho những hoàn cảnh khác nhau. Ngay cả những ngôi sao lớn cũng đang tìm tới phong cách sang trọng nhưng nhã nhặn như vậy”.

“Quiet luxury”: Khi sự khiêm nhường ẩn chứa nét cao sang 15

“Quiet luxury” là đích đến tối thượng mà số đông người giàu có hướng tới. Họ hiểu rằng, chất lượng đích thực của một món hàng cao cấp được cân – đo – đong – đếm bởi độ bền, sự thoải mái khi sử dụng, khả năng gia tăng giá trị theo thời gian, hay xa hơn là ảnh hưởng của nó tới môi trường sống. Sau cùng, “quiet luxury” là một lối sống đẹp dẫu đòi hỏi nhiều trau dồi và vật lực. Và cũng như mọi lối sống đẹp khác, sự xa xỉ thầm lặng ấy luôn tìm được lộ trình vô tận.