Tìm kiếm
Close this search box.
EN

Câu chuyện thương hiệu

Kenzo - con hổ Á đông giữa kinh đô thời trang thế giới

Người ta thường nói rằng, Châu Âu với Paris hoa lệ và Milan nên thơ là cái nôi đích thực của thời trang thế giới, kể cũng chẳng sai khi mà hầu hết các thương hiệu đẳng cấp và sang trọng nhất thế giới đang được hội tụ tại vùng trũng lụa là này. Tuy nhiên, thời trang không được sinh ra chỉ để phục vụ những người giàu. Và ở phân khúc hàng cao cấp có bậc giá dễ chịu hơn, Kenzo đang là kẻ đứng đầu cuộc chơi với nhiều mốc son ấn tượng.

Kenzo – chúa sơn lâm Nhật Bản cuộn mình trên đất Pháp

Ít người còn nhớ được rằng, ông lớn Kenzo ở thời điểm này đã từng có khởi đầu từ một boutique nhỏ xinh tên Jungle Jap, được đặt tại Galerie Vivienne, Paris. Chọn nước Pháp hoa lệ làm điểm khởi đầu, thế nhưng với cái hồn Á Đông của người sáng tạo ra thương hiệu – ngài Takada – Kenzo đã nhanh chóng tìm được chỗ đứng riêng ngay trên mảnh đất đã bị thời trang cao cấp thâu tóm qua ngót trăm năm. Chẳng thế mà chỉ sau 6 năm, cửa hàng flagship đầu tiên của Kenzo đã được mở cửa tại số 3 Place des Victoires danh giá, đánh dấu bước chuyển mình từ Jungle Jap thành một thương hiệu thời trang độc lập, hoàn chỉnh.

Kenzo - con hổ Á đông giữa kinh đô thời trang thế giới 1

BST Memento No.1

Kenzo chiếm lĩnh lấy thị trường giống như cái cách mà một con hổ ẩn mình từ từ tiến gần lại chú linh dương.

Không có lợi thế về kinh nghiệm lâu đời ở mảng haute couture, Kenzo chọn con đường đơn giản nhưng cũng mang nặng tính cạnh tranh hơn – ready to wear – để khẳng định tên tuổi của mình. Bắt đầu bằng những bộ sưu tập thời trang nam từ năm 1983, thời trang trẻ em và các mặt hàng gia dụng cao cấp “phong cách Kenzo” năm 1987, để rồi một năm sau đó là những mẫu nước hoa đầu tiên, Kenzo từ từ chiếm lĩnh lấy thị trường giống như cái cách mà một con hổ ẩn mình từ từ tiến gần lại chú linh dương. Trùng hợp thay, những sản phẩm nổi tiếng nhất từ thương hiệu này phần nhiều đều có biểu tượng Chúa sơn lâm Á Đông đang nhe nanh đầy uy lực.

Tuy nhiên, con hổ ấy lại được nuôi dưỡng bởi một người đàn ông nhỏ nhắn mang gương mặt tươi cười hiền hòa đến bất ngờ. Chính Kenzo Takada – người sáng lập nên chữ K đình đám giữa Paris – đã định hình nên “cái hồn” khác biệt của Kenzo.

Tinh thần của thương hiệu thấm nhuần chất Nhật Bản Á Đông tới mức ngay cả sau khi Takada nghỉ hưu vào năm 1999, nhà mốt vẫn giữ vững vẻ dị biệt hiếm có giữa lòng thủ đô Paris hoa lệ, biến di sản của Takada trở thành một thành trì Mạc Phủ đứng vững vàng giữa những Hermès, Chanel, Lanvin hay Louis Vuitton hàng trăm năm tuổi.

Takada Kenzo – Samurai cô đơn vẽ nên đế chế giữa lòng Paris

Sinh tại Himeiji, Nhật Bản vào năm 1940, Takada lớn lên trong một gia đình bình thường có bố mẹ làm chủ quán trọ. Giống như cái cách mà hai anh em Gianni và Donatella Versace cùng chia sẻ niềm đam mê thời trang từ ngày thơ bé, Takada Kenzo được truyền lại nguồn cảm hứng của ngành công nghiệp vải vóc bởi những cuốn tạp chí của chị gái. Năm 18 tuổi, theo ý muốn song thân, Takada thi đậu vào Đại học Kobe, ngành Ngữ Văn chỉ để nhanh chóng nhận ra rằng mình hoàn toàn không phù hợp với câu từ chữ nghĩa. Ông bỏ học, ghi danh vào Đại học Bunka chuyên ngành thời trang – nơi mà chính bản thân Takada cũng là một trong những sinh viên nam đầu tiên.

Kenzo - con hổ Á đông giữa kinh đô thời trang thế giới 3

Nhà thiết kế Kenzo Takada

Bước ngoặt cho con đường sáng tạo thời trang của ông là giải thưởng Soen danh giá đạt được vào năm 1960. Sau đó, Takada làm việc cho một cửa tiệm thời trang ở Sanai với tư cách “thợ thiết kế – cắt – may”. Hoàn toàn chú tâm vào công việc, không nề hà những việc nhỏ nhặt ban đầu dù cho đã có một giải Soen trong tay, Takada đều đặn cho ra mắt tới 40 trang phục mỗi tháng, tạo ấn tượng không nhỏ tới ngành công nghiệp thời trang địa phương.

Có thể nói, quãng thời gian làm việc tại Sanai đã ảnh hưởng rất nhiều tới hồn thiết kế của Kenzo mãi cho tới tận về sau này. Kenzo chật vật lập nghiệp ở Paris vào năm 1964, và phải mất một thời gian để ổn định cuộc sống, ông mới có thể cầm bút phác thảo trở lại. Chịu ảnh hưởng từ những trang phục của André Courrèges, Takada cho ra mắt liền lúc 30 mẫu thiết kế (một cách năng suất không kém gì những ngày hè ở Sanai); một vài mẫu sau đó đã được nhà thiết kế gạo cội Louis Feraud đón nhận.

Những sản phẩm nổi tiếng nhất đồng thời cũng được đánh giá cao nhất từ Kenzo phần nhiều đều có biểu tượng Chúa sơn lâm Á Đông đang nhe nanh đầy uy lực.

Những chuỗi ngày kế tiếp, Kenzo tựa một samurai cô đơn nhưng kiên cường trên đất Paris lấy công việc làm niềm vui, đồng thời chuyển sang làm việc ở nhiều cửa hàng thời trang để trau dồi kinh nghiệm ngành Vải và Dệt may từ Pisanti. Cho đến khi thực sự cảm nhận được độ chín của bản thân, Takada Kenzo đi bước mạo hiểm đầu tiên, thả con hổ Jungle Jap – tiền thân của Kenzo – vào một cửa hàng quần áo cũ đặt ở Gallerie Vivienne (bản thân cửa hàng này cũng do chính Takada tự dọn dẹp, sửa sang). Và, phần còn lại của câu chuyện đã đi vào lịch sử.

Kenzo - con hổ Á đông giữa kinh đô thời trang thế giới 5

BST Memento No.1

Người ta vẫn thường nói về lịch sử của Versace, thường ngẫm nghĩ về những lần thay ngôi, đổi chủ của nhà mốt Yves chứ hiếm khi suy ngẫm về quãng đường đã kéo dài non nửa thế kỷ của Kenzo. Lý do chính có lẽ nằm ở việc Kenzo chưa từng – và có lẽ sẽ không, trong nhiều năm nữa – đầu tư vào ‘haute couture’. Việc phát triển thương hiệu thời trang theo hướng ‘ready-to-wear’ thuần nhất giúp cho Kenzo luôn bắt kịp với xu hướng thời trang giữa lòng Paris hoa lệ mà khắc nghiệt, đồng thời giữ vững được bản sắc Á Đông dị biệt vẫn luôn được người phương Tây đánh giá là đặc sản cao cấp.

Do phân khúc thị trường được chọn là khách hàng ưa thích thời trang cao cấp với tag giá không quá cao, Kenzo từ lâu đã gây dựng được hình ảnh của một hãng thời trang trẻ trung, hiện đại

Hướng đi của Kenzo dường như được xác định rõ ràng là “thời trang đường phố cao cấp”, kim chỉ nam này được đánh dấu bằng nhiều sản phẩm hợp tác với H&M và Vans. Sự thành công của Kenzo không đến từ những đột phá, nó đến từ những thay đổi nhỏ hợp thời, từ những sản phẩm đẹp mắt, dễ mua và dễ đi sâu vào lòng những người đã yêu thích và sẽ yêu thích thương hiệu Âu – Á giao thoa này. Chẳng vậy mà, Humberto Leon và Carol Lim đã nói rằng “Kenzo có một lịch sử thương hiệu phong phú và hấp dẫn, và thực sự rất khó để chỉ mặt đặt tên những gì mà chúng tôi đã thay đổi trong suốt những năm qua. Nhưng chúng tôi cũng đồng thời tôn trọng và bảo tồn bản sắc vốn có của Kenzo House, chẳng hạn như những bản in, nguồn cảm hứng từ văn hóa thế giới đã in đậm trong những bộ sưu tập lịch sử của hãng.”

Và, nói được, làm được, những gì mà Kenzo thể hiện trong năm qua – từ bộ sưu tập Memento đầu tiên được giới thiệu vào mùa thu đông 2017 cho tới Memento No. 3 – đã phục dựng nguyên bản tinh thần Kenzo từ cái ngày mà Takada còn cặm cụi với từng đường kim, mũi chỉ ở Sanai năm nào.

Memento Collections 17-18:
Tam bộ khúc đẹp đẽ về ký ức của Takada Kenzo

“Ngày xửa ngày xưa, có hai vị thần đã tạo nên khởi nguyên của Nhật Bản, đó là Izanami và Izanagi. Izanagi là chồng sống lâu, Izanami là vợ mất sớm; trong một lần rửa mặt bên Hoàng tuyền, mắt trái của Izanagi vì thương nhớ mà khóc ra Thiên chiếu đại ngự thần Amaterasu, mắt phải của ngài cũng tạo ra Nguyệt thần Tsukuyomi. Từ sống mũi của Izanagi, biển khơi và bão tố trỗi dậy với cái tên Susanoo, một cách quyền uy ôm trọn lấy đảo quốc Nhật Bản” – trích Thần Đạo Nhật Bản, Cao Thiên Nguyên truyện.

Một cách hình tượng, người Nhật Bản vốn đã coi vị thần của bão và đại dương Susanoo như một chiến tích tự hào trong việc đối phó với thiên nhiên suốt cả nghìn năm qua. Chính Susanoo đã trở thành cảm hứng cho Bộ sưu tập Kenzo Xuân – Hè 2018 – Memento No.2, được Carol Lim và Humberto Leon đưa đến Tuần lễ Thời trang Paris tháng 9 năm 2017. Memento No. 2 – như một tiếng gầm của biển khơi – tràn ngập những hình ảnh đen tối và huyền bí mang đậm cảm hứng từ Kenzo Jeans những năm 1986. Sự giao thoa giữa hai nền văn hóa đã tạo cho Memento No.2 tiếng vang lớn, đồng thời định nghĩa lại sắc cam của ngành công nghiệp thời trang hiện đại – hay còn gọi là “Màu đỏ Samurai”, như cái cách mà Lim và Leon đã gọi.

Kenzo - con hổ Á đông giữa kinh đô thời trang thế giới 7

Trình diễn bộ sưu tập Memento No.2

Memento Collection No. 2 mượn những yếu tố văn hóa truyền thống của Nhật Bản để nói về “Khởi nguyên” – từ cội nguồn của dân tộc Nhật Bản với những màn múa Yosakoi, bữa tiệc chiêu đãi thị và thính giác được đưa tới từ đoàn vũ công cổ truyền Kagura tới từ Hiroshima tái hiện lại trận chiến giữa Susanoo với Yamato no Orochi. Những vòng tròn xoáy dũng mãnh của con rồng giấy cuộn tròn, nửa ru khán giả vào những giấc mơ hoang sơ nhất của con người Nhật Bản, nửa tôn vinh vẻ đẹp từ những phục trang sử dụng chất liệu denim pha những mảng họa tiết từng làm nên tên tuổi cho Raf Simons vào năm 2015. Những họa tiết vintage mang bản sắc Kenzo như chú hổ bay cùng những đường sọc tre mang tần suất dày đặc trong Collection No. 2. Điểm đặc biệt của show trình diễn thời trang Kenzo Xuân Hè 2018 là việc Lim và Humberto đã sử dụng lại bức tranh khắc gỗ nổi tiếng của Hokusai – The Great Wave – để đưa vào những chiếc váy kimono sử dụng chất liệu denim phá cách hay áo khoác jeans đính kèm túi ngực. Việc kết hợp nét đẹp truyền thống Nhật Bản vào chất liệu vải cộp mác linh hồn Mỹ đã tạo nên show trình diễn thành công nhất trong ba bộ sưu tập Memento; như một tiếng gầm từ phía bên kia đại dương huyền bí vốn chia cắt Âu – Á mà Juun.J hay Yohji Yamamoto mới khai phá theo chân Kenzo trong những năm gần đây.

Và mặc dù Memento No. 2 là show trình diễn thành công hơn thì báo giới truyền thông vẫn cứ ngây ngất với Memento No. 1, khi mà nhà mốt này đã đưa đến một màn xuyên không hoài cổ táo bạo đến bất ngờ. Ở bộ sưu tập hoài niệm đầu tiên, một mặt, bộ đôi Lim và Leon đã tìm được cách để đảm bảo cho Kenzo giữ được những sắc màu tươi mới, trẻ trung; Mặt khác, họ học hỏi và truyền đạt lại tinh thần và “story-telling” của thương hiệu 48 năm tuổi để tri ân những di sản phong phú của thương hiệu. No. 1 Thu – Đông 2017 lấy cảm hứng từ chiến dịch quảng cáo rầm rộ của Kenzo với nhiếp ảnh gia Hans Feurer vào năm 1983, khiến cho các phục trang của mùa này tái hiện đậm chất sa mạc Bắc Phi xa xôi với hai người mẫu đại diện là Sayako gốc Á và Iman gốc Phi – vào thời điểm mà người mẫu da trắng vẫn đang ở chiếu trên làng mốt thế giới. Vẫn là những chiếc áo khoác lấy cả hứng từ kimono chần bông Kenzo năm 1978, nay được cách điệu với cổ áo ba khuy hay những họa tiết hoa dại độc quyền in trên nền vải taffetas đỏ rực, hay những chiếc váy và áo được lấy cảm hứng từ váy taffetas năm 1981 với màu hồng fuschia được nhấn nhá bằng nhiều chi tiết xếp ly phồng kiểu bèo nhún, Kenzo đã thổi bùng lại di sản của Takada bằng sự phá cách độc đáo mà vẫn giữ được những giá trị hoài cổ rất riêng.

Bộ sưu tập Memento No. 2 mượn những yếu tố văn hóa truyền thống của Nhật Bản để nói về “Khởi nguyên” - từ cội nguồn của dân tộc Nhật Bản với những màn múa Yosakoi, bữa tiệc chiêu đãi thị và thính giác được đưa tới từ đoàn vũ công cổ truyền Kagura tới từ Hiroshima tái hiện lại trận chiến giữa Susanoo với Yamato no Orochi.

Kenzo - con hổ Á đông giữa kinh đô thời trang thế giới 9

Bộ sưu tập Memento No.3

Kenzo - con hổ Á đông giữa kinh đô thời trang thế giới 11

Bộ sưu tập Memento No.2

Bộ sưu tập Memento thứ 3 dành cho mùa Thu – Đông 2018 từ nhà mốt Kenzo tiếp tục là một hồi ức ngọt ngào. Bộ đôi hậu bối Lim và Humberto lại cặm cụi học hỏi từ người tiền bối của mình, như cái cách mà Parzival học từ những ký ức của James Halliday. Sự vui thích, niềm đam mê tác phẩm tranh sơn dầu The Dream (Giấc mộng) – Henri Rousseau – của Takada đã truyền cảm hứng cho ông từ những ngày đầu phát triển thương hiệu Kenzo với nền móng Jungle Jap giờ đây được phối lại trên những phục trang lộng lẫy, có thể nói là xuất sắc và bắt mắt nhất trong toàn thảy cả ba BST Memento. Lấy cảm hứng từ rừng nhiệt đới, các họa tiết hoa dại, hoa sen, dương xỉ kết hợp với những hình ảnh quen thuộc từ các bức tranh sơn dầu được đắp lên nền vải len dệt kim; những chiếc khăn len bản to đậm chất những năm 80 và boot da mùa đông lạnh thay cho sneaker unisex. Một sự chuyển mùa theo kiểu bình mới, rượu cũng mới nhưng lại ngon như cũ khiến cái kết tạm thời cho giấc mộng đêm hè chuyển đông mang tên Memento đang ghi điểm mạnh mẽ trong lòng giới mộ điệu thời trang thế giới. Hiếm có nhà mốt nào thực hiện công cuộc “retro” thành công theo cách đặc biệt như Kenzo, khi mà họ vẫn thỏa sức sử dụng các chất liệu tân tiến và chỉ việc thêm nếm vào đó những giá trị văn hóa truyền thống có ít nhiều liên quan tới nhà sáng lập Takada Kenzo.

Con đường tương lai của Kenzo: liệu có vượt lên cái bóng của Takada?

Lim và Humberto đã làm tốt phần việc của mình ở Kenzo trong suốt 6 năm qua – dài gấp đôi quãng thời gian trung bình mà một nhà thiết kế thời trang cộng tác ở mỗi nhà mốt. Kenzo đang phát triển với phong độ ổn định bằng cách học hỏi từ một quá khứ đẹp, sử dụng chất liệu hiện đại để thể hiện những ý tưởng truyền thống, lạ lẫm với tập khách hàng khó tính tới từ châu Âu – Mỹ; câu hỏi đặt ra ở đây là liệu sự thành công này có thể duy trì thêm lâu hơn nữa? Liệu chúng ta có ngạc nhiên hay không nếu Memento Collection No. 4 được ra mắt và vẫn thành công với nguyên liệu là tinh thần Kenzo nguyên bản? Câu trả lời xin hãy cứ để phần cho tương lai, còn ở thời điểm hiện tại, Kenzo đã và đang làm tốt hơn cái mức “subaraishii” rất nhiều rồi.

Follow Us on