Tìm kiếm
Close this search box.
EN

Từ điển xa xỉ

Tourbillon: Biểu tượng vinh quyền của đồng hồ cơ khí

Ngày mặt số chiếc đồng hồ trên cổ tay bạn có cơ chế tourbillon – dù phức tạp như Greubel Forsey hay đơn giản như Patek Philippe, đó cũng là ngày bạn chạm một tay vào vinh quyền!

Lược sử Tourbillon

Tại sao đồng hồ tourbillon lại là mơ ước của rất nhiều người mê đồng hồ và luôn có mặt trong bộ sưu tập của “những kẻ sành sỏi”? Tại sao những chiếc đồng hồ có bộ phận tourbillon luôn nằm trong danh mục sản phẩm nổi bật của các hãng? Làm sao để chọn được một chiếc đồng hồ tourbillon vừa ý trong gần 140 thương hiệu có sản xuất đồng hồ có bộ phận tourbillon? 

Trước hết chúng ta cần trả lời câu hỏi: Tourbillon là gì, nó có tác dụng gì trên một chiếc đồng hồ?

Từ thuở bình minh của loài người, các nhà phát minh đã luôn luôn tìm cách để tính thời gian một cách chuẩn xác nhất, bắt đầu bằng các công cụ đếm thời gian như đồng hồ nước, đồng hồ cát và phổ biến nhất là đồng hồ mặt trời. Ý tưởng về chiếc đồng hồ cơ khí hiện đại xuất hiện lần đầu tiên vào năm 1485 trên một bản phác thảo của họa sĩ Leonardo da Vinci. Cho tới năm 1500, một thợ khóa người Đức mang tên Peter Henlein đã chế tạo chiếc đồng hồ cơ khí đầu tiên. Tới những năm 1600, việc có đồng hồ đã trở nên phổ biến. Và đến năm 1780, Abraham Louis Perrelet phát minh ra máy tự động. Kể từ đó những phát minh trên đồng hồ cơ khí không nhiều – giới hạn trên 5 thành phần cơ bản của một chiếc đồng hồ:

1. Bộ phận cung cấp năng lượng: lên dây tự động hoặc tự vặn cót bằng tay.

2. Các bánh răng có nhiệm vụ truyền năng lượng từ ổ cót đi.

3. Bộ thoát, hãm năng lượng: truyền năng lượng từ các bánh răng tới bộ phận điều khiển, đồng thời hãm các bánh răng lại không để chúng quay liên tục.

4. Bộ phận điều khiển: bánh xe cân bằng chuyển động qua lại cùng dây tóc bánh răng giữ cho chuyển động đều.

5. Bộ phận chỉ thời gian: các trục bánh răng điều khiển kim giờ – phút – giây…

Tourbillon: Biểu tượng vinh quyền của đồng hồ cơ khí 1

Cấu tạo cơ khí của đồng hồ Piaget Emperado Coussin tourbillon Ultra-thin 

Trong 5 bộ phận cơ bản của đồng hồ thì bộ phận hãm – thoát năng lượng và điều khiển đóng vai trò then chốt để đồng hồ chỉ thời gian chuẩn xác. Trước đây, do công nghệ chế tác thiếu chính xác cùng các vật liệu mềm, nhẹ khiến sự vận hành của một chiếc đồng hồ dễ bị ảnh hưởng bởi trọng lực, nhất là những bộ phận mỏng manh như dây tóc bánh răng hay các thành phần của bộ thoát – hãm năng lượng. Vì thế, ông John Arnold một nghệ nhân chế tác đồng hồ người Anh đã có ý tưởng về một bộ phận gọi là tourbillon (cuốn xoay) với nhiệm vụ triệt tiêu ảnh hưởng của lực hút trái đất đối với máy đồng hồ. Nhưng John Arnold qua đời vào năm 1799, nên cho tới năm 1801, ý tưởng của ông mới được hiện thực hóa bởi Abraham Louis Breguet. Đại loại, tourbillon là một khung mang cả hai bộ cơ bản của đồng hồ là bộ phận thoát – hãm và điều khiển. Nó có nhiệm vụ loại bỏ các sai số về tốc độ ở các vị trí dọc do trọng lực gây nên. 

Kể từ khi ra đời, bộ phận tourbillon luôn xuất hiện trên những chiếc đồng hồ quả quýt và phải tới gần hai thế kỷ sau, những chiếc đồng hồ đeo tay mới có bộ phận này dù rằng đồng hồ đeo tay đã xuất hiện từ năm 1810. Chiếc đồng hồ đeo tay tourbillon đầu tiên được chế tạo vào năm 1920 và chỉ dừng lại ở phiên bản thử nghiệm. Năm 1945, Omega cho ra đời bộ 12 đồng hồ tourbillon nhưng không thành công. Cho tới khi Audemars Piguet ra mắt dòng đồng hồ tourbillon thương mại đầu tiên vào năm 1985 thì Tourbillon mới thực sự lên ngôi vinh quyền. 

Các cơ chế tourbillon

Từ thập niên 1980 cho tới nay là thời kỳ hoàng kim của những loại đồng hồ cơ khí phức tạp và tourbillon trở thành một biểu tượng của ngành chế tác đồng hồ.

Ngày nay với công nghệ vật liệu cao cấp, độ chính xác trong chế tác lên đến micromet, cùng sự xuất hiện của các loại máy đo, đồng hồ dù không có bộ phận tourbillon cũng chạy ở một mức chính xác hơn rất nhiều so với vài chục năm trước. Nhưng tourbillon vẫn là một phương tiện để các hãng nâng cao vị thế, chứng tỏ tay nghề, quảng bá thương hiệu.

Với mức độ chế tác chính xác cao như hiện nay, tính năng gốc của tourbillon không còn quan trọng mà chính kết cấu phức tạp của nó mới là thứ tôn vinh chiếc đồng hồ.

Vì một bộ phận tourbillon thường rất nhỏ, nhẹ và phức tạp. Hãy thử tưởng tượng một chi tiết chỉ nhỏ như chiếc cúc áo, nặng khoảng 2-3gr mà được lắp ráp từ 70-100 bộ phận khác nhau, chỉ cần một giây sơ sảy thôi là mọi công sức của nghệ nhân sẽ tan thành mây khói.

Cơ chế tourbillon càng nhiều chi tiết, càng phức tạp thì chiếc đồng hồ càng giá trị.

Tourbillon: Biểu tượng vinh quyền của đồng hồ cơ khí 3

Tourbillon của đồng hồ Vacheron Constantin Traditional Tourbillon

Tourbillon truyền thống – Traditional Single Axis Tourbillon

Đây là loại tourbillon phổ biến nhất hiện nay với thiết kế về cơ bản theo đúng nguyên lý từ hai thế kỷ trước. Tourbillon là một lồng xoay chứa bộ phận thoát – hãm và điều khiển (bánh xe cân bằng) xoay trên một mặt phẳng theo trục đơn. Thường tourbillon quay 1 vòng hết một phút. Bạn có thể bắt gặp loại Tourbillon này ở rất nhiều đồng hồ, ví như Vacheron Constantin Traditionelle Tourbillon Caliber 2160 chẳng hạn.

Tourbillon: Biểu tượng vinh quyền của đồng hồ cơ khí 5

Vacheron Constantin Traditionelle Tourbillon

Chiếc đồng hồ là cột mốc đáng ghi nhớ trong lịch sử của Maison, bởi nó mang trong mình bộ chuyển động tự lên cót siêu mỏng đầu tiên được phát triển bởi Vacheron Constantin trong lớp vỏ vàng hồng 18K 5N có đường kính 41mm. Nhưng điều chúng ta đang muốn nhắc tới ở đây là lồng tourbillon mang con dấu Maltese đặc biệt thanh lịch của thương hiệu, với cầu tourbillon được mài vát hoàn toàn bằng tay trong 12 giờ đồng hồ. Cỗ máy thời gian Traditionelle Tourbillon hiển thị chức năng chỉ giờ, phút bằng kim giữa, kim giây nhỏ được đặt trên lồng tourbillon ở vị trí 6 giờ, đóng khung trên mặt số màu bạc đục opaline thanh tú với mốc chỉ giờ bằng vàng và kim Dauphine vát hai mặt.

Tourbillon: Biểu tượng vinh quyền của đồng hồ cơ khí 7

Hermès Arceau Lift Millefiori

Tourbillon bay – Flying tourbillon

Tourbillon bay khác biệt so với tourbillon truyền thống ở cầu đỡ bộ phận này. Tourbillon truyền thống sẽ có cầu đỡ ở cả mặt trên lẫn mặt dưới đồng hồ – tạo cho đồng hồ vẻ chắc chắn.

Trong khi Flying tourbillon chỉ có cầu đỡ ở một mặt khiến bộ phận này trông như đang bay lên lơ lửng trên mặt đồng hồ ở phía không có cầu đỡ, tạo yếu tố bắt mắt trên tay người đeo. Bạn sẽ thấy rất rõ kiểu tourbillon này trên chiếc đồng hồ Hermès Arceau Lift Millefiori.

Không chỉ nổi bật với mặt số bằng pha lê được chế tác thủ công bằng kỹ thuật thổi thủy tinh Millefiori của nhà sản xuất thủy tinh lâu đời nhất nước Pháp Critallerie Saint-Louis, chiếc đồng hồ gây ấn tượng thị giác đặc biệt với buồng flying tourbillon được đánh bóng như gương trên cùng có họa tiết “Lift” dưới mặt kính sapphire chống loá. Cầu nối tourbillon được đánh bóng vát cạnh thủ công, và vít được đánh bóng màu đen.

Bạn có thể chiêm ngưỡng từng chi tiết nhỏ nhất của lồng tourbillon này ở cửa sổ phía nắp lưng của chiếc đồng hồ.

Carrousel và Carrousel Tourbillon

Nhiều nghệ nhân chế tác đồng hồ không công nhận Carrousel là tourbillon đích thực. Lý do bởi, nguyên lý của tourbillon thông thường là lồng xoay và bánh xe cân bằng có cùng một nguồn năng lượng cung cấp từ một bánh răng – còn với Carrousel, hai bộ phận này có hai nguồn cung cấp năng lượng khác nhau và khi lồng xoay ngừng xoay thì bánh xe cân bằng vẫn chuyển động. 

Điểm khó nhất trên tourbillon truyền thống là các chi tiết được lắp ráp một cách cân bằng theo cùng một trục. Còn với Carrousel Tourbillon thì bánh xe cân bằng được đặt lệch so với các chi tiết khác theo một trục riêng biệt, giảm đi độ phức tạp khi chế tác bộ phận tourbillon. Điều này khiến cho đồng hồ Carrousel Tourbillon có giá thành rẻ hơn nhiều so với tourbillon truyền thống.

Đa tourbillon – Multiple Tourbillon

Bạn sẽ gặp trường hợp này ở những chiếc đồng hồ có nhiều hơn một cơ chế tourbillon trên bộ máy. Phổ biến nhất của đồng hồ đa tourbillon là tourbillon đôi (hai bộ phận tourbillon). Cá biệt có thương hiệu chế tạo đồng hồ 3 tourbillon như Antoine Preziuso hay 4 tourbillon (2 tourbillon đôi) của Greubel Forsey.

Tourbillon: Biểu tượng vinh quyền của đồng hồ cơ khí 9

Đồng hồ 3 tourbillon Antoine Preziuso Triple Tourbillon

Tourbillon xoay đa trục – Multi Axis Tourbillon

Xét về mặt kỹ thuật trên đồng hồ cơ khí có lẽ những cơ cấu tourbillon có khả năng xoay đa trục là khó chế tạo nhất. Năm 1970, nghệ nhân Anh quốc Anthony G.Randall đã phát minh ra tourbillon xoay hai chiều loại bỏ ảnh hưởng từ trường ở 6 hướng khác nhau. Tiếp theo Randall, một người Anh khác mang tên Richard Good đã đưa bộ phận tourbillon xoay theo 3 trục khác nhau vào đồng hồ để bàn trong những năm 1980. Lấy cảm hứng từ hai tiền bối, nhà chế tác đồng hồ độc lập Thomas Prescher là người đầu tiên đưa cơ chế tourbillon xoay theo 3 trục lên đồng hồ đeo tay. Có những chi tiết trên cơ cấu này có trọng lượng nhỏ tới 0,0009gr đủ để thấy công trình của Prescher vĩ đại đến mức nào. 

Sau Thomas Prescher đã có nhiều hãng bắt tay vào nghiên cứu và sản xuất tourbillon xoay đa trục.

Tourbillon: Biểu tượng vinh quyền của đồng hồ cơ khí 11

Đồng hồ Piaget Emperador Coussin Tourbillon Automatic Ultra-Thin

Tính tổng thể, độ hoàn thiện và hiệu chỉnh trên tourbillon

Ngày nay, với các công nghệ chế tác hiện đại có thể dễ dàng làm ra những chi tiết siêu nhỏ, tourbillon không còn là bài toán khó với các hãng sản xuất đồng hồ như trước. Vì thế cho đến nay có khoảng 140 thương hiệu đang bán những chiếc đồng hồ tourbillon. Tuy nhiên, cũng có những yếu tố mà máy móc chưa thể thay thế con người. Đó là công đoạn hoàn thiện các chi tiết và lắp ráp hiệu chỉnh thủ công. Vì vậy, một chiếc đồng hồ tourbillon có yếu tố thủ công càng cao thì càng đắt. Theo Martin Wehrli, giám đốc bảo tàng của thương hiệu Audemars Piguet thì chưa có một máy móc hiện đại nào có thể hoàn thiện và lắp ráp chính xác những chi tiết siêu nhỏ có trọng lượng chỉ khoảng 0,04gr lên bộ phận tourbillon và chỉ có một số ít những nghệ nhân lâu năm mới có đủ khả năng và sự kiên nhẫn để làm điều này: “Chỉ một nhịp thở mạnh cũng có thể làm tiêu tan mọi công sức bỏ ra trong hàng tuần”. Điều này khiến cho việc lắp ráp và hiệu chỉnh một chiếc đồng hồ không còn là kỹ thuật mà chính là nghệ thuật. Trong nghệ thuật chế tạo tourbillon, các bậc thầy luôn tìm cách phá vỡ mọi giới hạn do chính mình tạo ra. Antoine Preziuso giới thiệu chiếc Triple Tourbillon có tới 3 tourbillon kết hợp với nhau, xoay quanh mặt số và tạo thành “tourbillon thứ 4”. Nói một cách hoa mỹ, bản thân đồng hồ ấy chính là một cơ chế tourbillon.

Một ý tưởng khá thú vị về tourbillon khác (dù không độc đáo bằng Greubel Forsey hay Antoine Preziuso) là của Romain Jerome, được đưa ra cách đây đúng một thập kỷ với mẫu Day & Night Tourbillon. Tourbillon mặt trăng của đồng hồ hoạt động từ 12h đêm tới 12h trưa rồi tự ngắt, kích hoạt tourbillon mặt trời hoạt động từ 12h trưa tới 12h đêm. Cứ thế, đồng hồ tạo thành chu kỳ bất tận và khép kín. 

Trong khi đó, Piaget – cái tên vốn gắn liền với những chiếc đồng hồ siêu mỏng – lại có một cách gây ấn tượng cho giới mộ điệu rất đặc biệt, đó là mang đến cho các nhà sưu tập sành sỏi mẫu đồng hồ Piaget Emperador Coussin Tourbillon Automatic Ultra-Thin – chiếc đồng hồ tourbillon phá bỏ mọi giới hạn về độ mỏng khi chỉ dày khoảng 10,4mm. Đó là một nỗ lực phi thường của thương hiệu đình đám này khi cơ chế phức tạp bậc nhất với vô số các chi tiết cầu kỳ lại được gói gọn trong một chiếc lồng xoay siêu mỏng đến vậy.

Ngoài yếu tố thủ công và sự sáng tạo trong chế tạo tourbillon kể trên, còn có một yếu tố khác đặc biệt quan trọng với một chiếc đồng hồ nói chung và đồng hồ tourbillon nói riêng, đó chính là tính tổng thể. Ngay như Thomas Prescher – nghệ nhân vừa nói ở trên là bậc thầy hay có thể nói là “vua tourbillon” với kỹ thuật chưa từng ai có từ trước đến nay với tourbillon đôi khi cũng vẫn bị chê do khâu hoàn thiện về mặt tổng thể đồng hồ chưa đạt được đến mức đỉnh cao.

Tóm lại, cuộc chơi đồng hồ hay cuộc chơi tourbillon là một cuộc chơi nhằm vươn tới mức hoàn hảo, và các nghệ nhân chính là người nghệ sĩ luôn sẵn sàng phá các kỷ lục của chính mình.

Follow Us on