Từ Điển Xa Xỉ
Métiers d'Art –
Kiệt tác trên từng mặt số
KỲ 2:
Métiers d’Art chính là trái ngọt trong lịch sử phát triển lâu đời của ngành đồng hồ – nơi quy tụ tinh hoa nghệ thuật thủ công của loài người. Bên cạnh kỹ thuật tranh men gốm (đã được đề cập ở kỳ 1 của bài viết tại Elite by Tamson #03), còn rất nhiều nghệ thuật tinh xảo khác được thực hiện một cách cầu kỳ đến ngoa ngoắt như chạm khảm, điêu khắc, kim hoàn, sơn mài… với số lượng nghệ nhân chỉ đếm trên đầu ngón tay. Hãy cùng Elite tìm hiểu các kỹ thuật đỉnh cao đó tại bài viết kỳ 2 này.
Chạm khảm và điêu khắc
Marquetry - Khảm đá
Có thể nói Métiers d’Art chứa đựng rất nhiều các tinh hoa của nghệ thuật thủ công. Trong đó, phải nói tới nghệ thuật kim hoàn và nghệ thuật điêu khắc với các phương pháp chạm khảm với các chất liệu phong phú từ gỗ cho tới ngà voi, ngọc trai, các kim loại, đá quý hay các loại vật liệu khác nhau.
Tuyệt phẩm của Altiplano Tourbillon của Piaget vừa giới thiệu tại SIHH 2018 vừa qua chính là một ví dụ cho sự kết hợp tài tình giữa nghệ thuật chế tác đồng hồ tinh hoa với những kỹ thuật khảm đá quý điêu luyện. Mặt đồng hồ đầy cuốn hút của hai mẫu Altiplano Tourbillon được thực hiện bằng kỹ thuật khảm đá tiểu hình, phô diễn sự kết hợp tuyệt vời giữa các loại hàng thủ công khác nhau được thực hiện trong các xưởng sản xuất Piaget ở La Côte-aux-Fées và Plan-les-Ouates.
Để tạo ra được một mặt số đầy cuốn hút, các nghệ nhân phải trải qua bốn giai đoạn quan trọng và đòi hỏi từ 2 đến 3 tuần làm việc một cách cực kỳ chính xác. Mọi thứ bắt đầu bằng một viên đá thô, từ đó các khối được cắt thành những lát cực nhỏ dày 1mm, so với 3 đến 4mm đối với khảm đá truyền thống. Một khi đã cắt, đá được đánh bóng để xác định chính xác màu và sắc độ, cho dù giảm độ dày cũng sẽ làm giảm cường độ của màu sắc.
Đồng hồ Altiplano Tourbillon của Piaget
Kỹ thuật khảm đá quý điêu luyện tạo nên tuyệt phẩm Piaget Altiplano Tourbillon
Piaget chọn đá lông công (malachite) và ngọc lưu ly (lapis lazuli), hai loại đá cứng mang tính biểu tượng mà Maison đã sử dụng để sáng tạo từ những năm 1960. Đường viền của mỗi phần được vẽ lại chính xác trên đá bằng một dụng cụ đồng thau nhọn.
Đĩa được cắt thành các dải cực mỏng bằng một cái cưa nhỏ được làm bằng nhánh cây phỉ và một dây thép được tráng bằng lớp chống ma sát. Một khi đã cắt ra, các thành phần được điều chỉnh và lắp ráp với các chi tiết lân cận. Mặt số do đó được gắn liền với bề mặt đỏ trơn hoặc vàng mịn trước khi làm nóng các mối nối bằng cách lấp đầy các đường viền bằng nhựa thông. Đá được đánh bóng mịn tạo ra vẻ huyền diệu ma mị cho mặt đồng hồ trong sự kết hợp vô cùng thú vị của màu sắc, và hình khối.
Đá được đánh bóng mịn tạo ra vẻ huyền diệu ma mị cho mặt đồng hồ trong sự kết hợp vô cùng thú vị của màu sắc, và hình khối.
Pounced ornament – Rập nổi
Kỹ thuật rập trang trí pounced ornament cũng là một trong những kỹ thuật độc đáo không thể không nhắc đến. Đây là kỹ thuật đi từ một hình 2 chiều, sử dụng phương pháp chạm, khắc, bào trên một khối vật chất để tạo nên hiệu ứng 3 chiều. Quy trình này đòi hỏi cách xử lý vô cùng tinh tế, làm phồng các chi tiết bằng kỹ thuật khắc ngòi khô, trước khi thực hiện điêu khắc hàng loạt và tạo ra hiệu ứng lập thể khác biệt. Kỹ thuật này cũng được Vacheron Constantin áp dụng trong BST mới nhất Métiers d’Art Aérostiers với hình ảnh đặc trưng là một khí cầu tròn (được chế tạo bằng kỹ thuật pounced ornament) nổi bật trên nền trời xanh (men plique-à-jour).
Hợp kim & Sơn mài
Trong quá trình tìm tòi vật liệu và phương pháp chế tác mặt đồng hồ, có 3 phương pháp đến từ Nhật rất được những thương hiệu đồng hồ ưa chuộng đó là Sơn mài Maki-e, Hợp kim Shakudo và Sơn mài Urushi.
Sơn mài Maki-e
Kỹ thuật này xuất hiện cách đây khoảng 1.400 năm, chỉ họa phẩm sơn mài (urushi) lấp lánh nhờ vẩy lên bột vàng, bột bạc. Cái tên của nghệ thuật này là sự kết hợp của hai từ tiếng Nhật 蒔 (Maki) và 絵 (E) có nghĩa là rắc ảnh.
Các thợ thủ công đầu tiên quan sát các họa tiết thiết kế bằng sơn mài trên bề mặt. Sau đó, bột vàng được cẩn thận rắc lên để dính vào sơn mài, điều này giải thích cho cái tên của nghề thủ công này.
Maki-e trên các đồ vật từng là biểu tượng giàu sang cho vua chúa tướng lãnh nước Nhật từ thời Edo thế kỷ 17. Nghệ thuật Maki-e đã xuất hiện trên BST Metiers d’Art Maki-e của Vacheron Constantin. Để tạo ra một mặt đồng hồ bằng kỹ thuật sơn mài Maki-e phải mất hàng tháng trời. Trung bình có khoảng 30 bước bao gồm các kỹ thuật phức tạp được áp dụng trên diện tích nhỏ bé của mặt đồng hồ.
Trước tiên là phác họa chi tiết trên giấy rồi đến các bước cơ bản để mặt số có thể ăn sơn. Sau đó, mặt số ăn sơn đen (black urushi) tuần tự bốn lần trước khi đi nét với vàng bột. Lần lượt mặt số sẽ ăn các loại sơn khác nhau tùy theo thiết kế ban đầu, rồi được nghệ nhân “vẩy” bột vàng. Cuối cùng, sơn đen sẽ được mài thêm lần nữa để lớp bột vàng có thể trường tồn trên mặt số.
Đồng hồ Blancpain Villeret Shakudō sử dụng kỹ thuật shakudo cổ của Nhật Bản
Shakudō
Đây là một hợp kim vàng giữa vàng và đồng (khoảng 4% vàng, 96% đồng), chủ yếu được tạo ra vì nước bóng màu tía-lam sẫm đẹp đẽ của nó. Trong lịch sử, nó đã được sử dụng tại Nhật Bản để làm các vật trang trí cho kiếm Nhật.
Khi lần đầu được giới thiệu với phương Tây vào giữa thế kỷ 19, người ta cho rằng nó đã không được biết đến ngoài phạm vi châu Á, nhưng các nghiên cứu gần đây cho thấy loại hợp kim trang trí tương tự như vậy cũng đã được sử dụng tại Ai Cập, Hy Lạp và La Mã cổ đại. Những người thợ kim hoàn thủ công ngày nay đã làm sống lại việc sử dụng shakudō như là một kiểu trang trí đầy ấn tượng, đặc biệt cho kỹ thuật mokume-gane (thép vân gỗ – kỹ thuật rèn đi rèn lại các hợp kim tạo thành thành phẩm có vân như vân gỗ).
Hợp kim Shakudo với lớp nước bóng màu tía lam sẫm từng được sử dụng để làm các vật trang trí kiếm Nhật.
Urushi
Đây là một kỹ thuật sơn mài cổ xưa được đặt theo tên của cây sơn, nguồn cấp nguyên liệu cho sơn mài, và có số lượng rất ít. Cần 3 đến 5 năm sau khi được thu lượm, nhựa cây sơn được xử lý để đạt được chất liệu sơn mài có sức bền cao, chuyên dùng cho đồ sơn mài cao cấp.
Sau đó, nghệ nhân Urushi rắc những hạt màu óng ánh để mang đến độ sâu, ánh sáng và sắc thái tinh xảo cho sản phẩm. Chỉ có một số rất ít nghệ sĩ mới có thể thực hiện được kỹ thuật tinh tuyền này. Phiên bản đồng hồ nổi tiếng với kỹ thuật này là Chopard L.U.C XP Urushi. Các mặt số của đồng hồ được thực hiện bởi Nghệ nhân Urushi Minori Koizumi và được giám sát kỹ thuật bởi nghệ nhân Kiichiro Masumaro – nghệ nhân hàng đầu trong bộ môn này và là “kho báu quốc gia” của Nhật. Với kỹ thuật sơn mài truyền thống đặc biệt của Nhật Bản tái hiện hình ảnh các con giáp trên mặt đồng hồ, L.U.C XP Urushi đã trở thành biểu tượng của nghệ thuật thủ công tinh xảo và cầu kỳ.
Đồng hồ Chopard L.U.C XP Urushi Year of Pig
Và, để nói về Métiers d’Art trong đồng hồ thì còn vô vàn các kỹ thuật phong phú khác nhau thậm chí là se sợi (broderie) hay chế tác gỗ… Tựu trung, các kỹ thuật, các vật liệu hay các phương pháp chế tác đều nhằm phục vụ cho một mục đích lớn nhất – tạo nên một kiệt tác nghệ thuật vĩnh cửu cho cổ tay!