Tìm kiếm
Close this search box.
EN

Sống

Áo khoác da: Từ chiến bào vinh quang tới biểu tượng của những gã trai nổi loạn

Lịch sử phát triển văn minh nhân loại về cơ bản khá giống với một cuốn phim lấy chủ đề vượt lên từng nấc thang tam giác Maslow của con người. Trải qua hàng nghìn năm phát triển, tiêu chuẩn của nhân loại dần được nâng cao, và “quần áo” dần được nâng cấp thành “thời trang”, biến nhu yếu phẩm của mỗi người trở thành nhu cầu được đẹp, được khẳng định cái tôi giữa xã hội. Cũng từ đó mà mỗi item thời trang đều có những ý nghĩa lịch sử và câu chuyện bên lề vô cùng thú vị mà ví dụ tiêu biểu nhất chính là chiếc áo khoác da. 

Ngày về của tấm áo vinh quang

Người ta đã biết khoác da thú làm trang phục kể từ thủa ban mai của bình minh nhân loại; và rồi người ta cũng tạo nên áo giáp bằng da bò kể từ thời Trung cổ loạn lạc, tăm tối. Cho tới những năm tháng hậu kỳ cận đại, cách mạng công nghiệp với ba mốc son chói lọi là động cơ hơi nước, ngành sắt và đặc biệt là kỹ thuật dệt may đã đưa vải bông lên đứng đầu chuỗi cung ứng thời trang trên toàn thế giới, bỏ quên những phiến da thú vào chuỗi năm tháng dài lê thế chất chứa niềm quên lãng đáng tiếc.

Mãi cho tới đầu của thế kỷ 19, chiếc áo da mới tìm được đường trở lại với thời trang thế giới. Người ta bắt đầu nhận ra, da thuộc có nhiều công dụng hơn là chỉ để đóng bìa sách, và thế là tấm áo khoác da hậu cận đại được ra đời, bước đầu được đón nhận như một thứ trang phục thay thế kém tầm so với vải sợi bông hay len lông cừu vốn mỏng nhẹ và dễ gia công, chế tác hơn.

Áo khoác da: Từ chiến bào vinh quang tới biểu tượng của những gã trai nổi loạn 1

Negan với chiếc áo da trong “The Walking Dead”

"Không đời nào tôi sẽ chết trước khi ăn vận thật bảnh bao đẹp đẽ! Tôi mặc một chiếc áo khoác da, đã vũ trang sẵn sàng và có bao nhiêu can đảm thì dồn cứng cả hạ bộ rồi" - Negan, từ phim “The Walking Dead”.

103 năm tiếp theo, chiếc áo khoác da lặng lẽ tồn tại để rồi tìm thấy đường về xứng đáng với phẩm cách vinh quang của mình. Tại sao lại là con số 103? Vào năm 1903, chuyến bay đầu tiên được ghi nhận thành công với chiếc phi cơ thô sơ của nhà Wright, mở ra kỷ nguyên mới của nhân loại: Ngành hàng không, nơi mà đàn ông bắt đầu chiếm lĩnh bầu trời, trong khi cả thế giới chỉ biết ngưỡng vọng từ nơi mặt đất.

Nhưng bầu trời thì quá lạnh lẽo, và vải bông cũng như len sợi không thể chống đỡ trước cuồng phong từ độ cao hàng nghìn mét thủy chuẩn. Từ đó, người ta bắt đầu thấy những chàng phi công – biểu tượng của sự nam tính tuyệt đối vào thời đại ấy – khoác lên mình chiếc áo khoác da bóng bẩy và ấm áp.

Và rồi, nhân loại tìm đến chiến tranh. Trải qua hai cuộc Thế chiến, hình tượng người lính không quân của lực lượng Đồng minh lại càng trở nên đẹp đẽ và thu hút, đồng nghĩa với việc cả thế giới sẽ muốn ăn vận cho giống những Eddie Rickenbacker hay William Bishop – bảnh bao và nam tính trong chiếc áo khoác da. Thêm nữa, chất liệu da ấm áp và bền bỉ cũng trở nên thịnh hành trong quân đội (do người Bolsheviks Nga mặc đầu tiên và trở thành chiến phục quốc gia của đất nước này), dẫn tới nhu cầu tăng cao cho mọi tầng lớp khác của xã hội vào thời chiến, khi mà mỗi binh sĩ đều là đệ nhất thần tượng. Từ Saint-Mihiel tới Normandy, chiếc áo khoác da chính thức trở lại với giới thời trang, giữa đạn bom, khói lửa và những rotor kiêu hùng xoáy nát trời xanh.

Áo khoác da: Từ chiến bào vinh quang tới biểu tượng của những gã trai nổi loạn 3

Những chiếc áo da được khoác trên vai các chàng phi công trẻ thời chiến

Một thế kỷ dài làm bạn với "trai hư"

Không có đôi bạn nào thân cận hơn thời trang và phim ảnh; nói không ngoa thì phim ảnh đôi lúc cũng chính là đấng sinh thành của thời trang. Nhắc tới những gã đàn ông chỉn chu, nam tính, người ta thường nghĩ tới bộ suit của hai cha con Don Vito Corleone và Michael Corleone trong The Godfather; Còn với hình ảnh gã nổi loạn phóng khoáng, hoang dại tuổi đôi mươi, bạn cần phải biết tới chiếc áo khoác da Schott Perfecto của “kẻ nổi loạn vĩ đại” Marlon Brando.

Vào năm 1953, phụ nữ trên toàn nước Mỹ được chia ra hai loại: Các thiếu nữ mộng mơ tương tư Marlon Brandon và những quý bà thực sự bỗng gặp phải phức cảm bất thường với gã trẻ trai hoang dại, bất cần này. Vai diễn Johny trong “The Wild One” đã đóng đinh hình tượng của Marlon Brandon với mũ nồi, áo T-shirt trắng viền cổ đen, quần bò xắn gấu, đi xe phân khối lớn và mặc áo khoác da đen. Chiếc áo “Perfecto” của Marlon có kiểu dáng ôm sát người, cắt ngắn ở thắt lưng với thân trước vạt kép cài khóa chéo – kiểu dáng phổ biến được giới trẻ thập niên 50 ưa chuộng.

Áo khoác da: Từ chiến bào vinh quang tới biểu tượng của những gã trai nổi loạn 5

Marlon Brando nổi loạn với chiếc áo khoác da trong The Wild One

Bên cạnh việc trở thành biểu tượng của sự phản kháng với mọi bất mãn trong xã hội, Marlon Brandon cũng vạch ra kim chỉ nam cho thời trang của giới trẻ thời bấy giờ và trong nhiều năm sau đó. Cũng từ sau “The Wild One”, những chiếc áo da đa kiểu dáng bắt đầu xuất hiện trong nhiều bộ phim kinh điển khác của Hollywood, có thể kể tới chiếc Biker-jacker mang quốc kỳ Mỹ sau lưng của Wyatt (Peter Fonda) trong “The Rider”, chiếc Pilot Bomber mà Maverick (Tom Cruise) khoác lên mình trong Top Gun, hay chiếc rider-jacket màu đỏ mận phối vạch đua trắng mà Tyler Durden mang trong siêu phẩm “Fight Club”.

Áo khoác da: Từ chiến bào vinh quang tới biểu tượng của những gã trai nổi loạn 7

Tom Cruise khoác chiếc pilot Bomber trong Top Gun

Một điểm chung của tất cả các gã trai này, dù bụi bặm hay metro-sexual, họ đều là những kẻ cá tính, có lý tưởng sống và chắc chắn không cúi đầu trước những gì mình không tin tưởng – hình tượng hoàn hảo của gã trai hư được Hollywood tô vẽ nên bằng kịch bản xuất sắc và tạo hình đẹp đẽ.

Bản thân cách thức chế tác nên một chiếc áo da đã thể hiện sự thống trị phần nào của nhân loại tới tự nhiên; và việc mặc lên mình chiếc áo da khiến người đàn ông cảm thấy ở mình sự “chinh phục”: Chinh phục bầu trời, chinh phục chiến tranh, chinh phục thời trang, chinh phục phụ nữ và chinh phục chính bản thân mình.

Không phải cứ ai mặc áo da thì đều là “trai hư”, nhưng những gã “trai hư” luôn chọn khoác lên mình chiếc áo khoác da.

“Nothing, but Saint Laurent!”

 Mặc dù thường được nhắc tới như biểu tượng của nam giới trong thế kỷ 20 thì ở thời điểm hiện tại, chiếc áo da đã trở thành “của chung” cho nhân loại. Chiếc leather jacket được Kate Moss mặc vào năm 2000 trên tạp chí Vogue hay shoot hình gợi cảm của Rihanna với áo khoác da đã chứng tỏ, chất liệu độc đáo này phù hợp đến kỳ lạ với cả nam giới và nữ giới.
Việc nữ giới bắt đầu mặc chiếc áo khoác da cũng làm item này trở nên “mềm mại” hơn với cánh đàn ông, thậm chí là có phần unisex. Những chiếc áo da thời trang giờ đây được thiết kế ôm sát và hiện đại hơn; và để mà nói về biểu tượng của chiếc áo khoác da ở thời điểm hiện tại thì Saint Laurent chính là cái tên hàng đầu. 

Ngôn ngữ thiết kế nằm trên áo khoác da của Saint Laurent có thể đúc kết thành hai từ khóa: “Grunge” và “Rock’n’Roll”, mà nào G-Eazy, Joe Jonas hay Marlon Wayans là những nam thần được đo ni đóng giày. Nổi bật nhất trong số kể trên, G-Eazy (vốn được coi là đứa con cưng của Saint Laurent khi thường xuyên xuất hiện với Teddy Jacket, Wyatt Harness Boots và Distressed denim của hãng) là kẻ đã lăng xê chiếc áo khoác da của Saint Laurent lên một tầm cao mới. Trong cuộc phỏng vấn với tạp chí GQ vào năm 2017 với chủ đề 10 thứ mà bạn không bao giờ có thể sống thiếu nó, chiếc biker jacket “Y.S.L Smoking Forever” là vật mà tay rapper này chọn xếp ở vị trí thứ hai.

“Đây là chiếc áo khoác da ưa thích của tôi, tôi thậm chí có thể chỉ mặc duy nhất chiếc áo này từ giờ tới cuối đời "- Rapper G-Eazy

Áo khoác da: Từ chiến bào vinh quang tới biểu tượng của những gã trai nổi loạn 9

Rapper G-Eazy đã lăng xê chiếc áo khoác da Saint Laurent lên một tầm cao mới

“Giờ thì tôi đã có cả một tủ toàn Saint Laurent nhưng khi mới mua chiếc áo da đầu tiên từ thương hiệu, tôi đã thích tới mức gần như mặc nó mỗi ngày. Một người bạn của tôi đã sơn dòng chữ “These things happen when it’s dark out” lên lưng áo, và nó đã trở thành bìa album của tôi luôn.” – Rapper G-Eazy chia sẻ về niềm đam mê với chiếc áo khoác da của Saint Laurent. “Áo khoác da là thứ luôn đáng đồng tiền bát gạo. Nó như một tuyên ngôn về cá tính bản thân, bạn mặc càng nhiều, nó sẽ càng trở nên ‘vừa vặn’ hơn với bạn, cả về hình thể và cái tôi.”.

Áo khoác da: Từ chiến bào vinh quang tới biểu tượng của những gã trai nổi loạn 11

G-Eazy với chiếc áo da đậm chất “grunge” của Saint Laurent

Vẫn luôn xuất hiện với mái tóc slick-back chỉn chu, gương mặt lạnh lùng và cả cây đồ đen, chiếc áo da của Saint Laurent cũng đã trở thành một phần không thể thiếu đối với G-Eazy, đồng thời đúc khuôn hình tượng của những anh chàng metrosexual: chải chuốt, điệu đà nhưng vẫn vô cùng nam tính. Chất “grunge” của Saint Laurent theo đà quảng bá của các siêu sao như G-Eazy đã nhanh chóng làm mưa làm gió trên toàn thế giới nhờ vào cái hồn của một món phục trang trăm năm tuổi đã kinh qua vinh quang của nhân loại kết hợp với ngôn ngữ thiết kế hiện đại, hợp thời. Dưới bàn tay của giám đốc sáng tạo Anthony Vaccarello, áo khoác da của Saint Laurent giờ đây chỉn chu hơn, nam tính hơn, thế nhưng vẫn không đánh mất chất hoa mĩ vốn có của thương hiệu nước Pháp. Trong nỗ lực cân bằng lại hai mảng thời trang nam – nữ của nhà mốt, giờ đây phục trang nam giới (trong đó có áo khoác da) của Saint Laurent trở nên hoài cổ hơn với những mẫu bomber jacket da phối cổ lông mang hơi hướng của chiếc áo phi công hay racing-jacket ngày nào. Không chỉ Saint Laurent, hơi hướng hoài cổ của những chiếc áo khoác da cũng được thể hiện mạnh mẽ ở Bottega Veneta (với racing-jacket cổ điển trên nền chất liệu da cao cấp) hay HUGO BOSS (chỉn chu, thanh lịch theo cách của người Đức), nhưng điểm chung là sự bụi bặm, nam tính mà không kém phần chỉn chu, sang trọng thì không hề bị đánh mất ở bất cứ thiết kế áo da nào từ các nhà mốt cao cấp.

Da và thép: Tuyên ngôn thời trang cho mỗi cá nhân

Những lý do và câu chuyện lịch sử kể trên phần nào giải thích được sự hấp dẫn của leather-jacket, nhưng điều khiến bất cứ ai cũng nên sở hữu một món đồ này trong tủ quần áo lại liên quan tới chính bản thân họ. Bạn có biết rằng, da và thép là hai nguyên liệu chủ yếu tạo nên bộ áo giáp đầu tiên và cổ xưa nhất của con người? Rằng với hai vật liệu đó, những kẻ liều lĩnh và dũng cảm của nhân loại đã xông pha trong biết bao hành trình nguy hiểm, lãng mạn và không kém phần khốc liệt trong quá khứ?

“Tôi từng nghĩ rằng cuộc đời mình sẽ thay đổi khá nhiều sau khi mua chiếc áo khoác da đầu tiên. Và, điều ấy đã chính xác 100%” - Khuyết danh.

Và rồi, da và thép tạo nên áo da và chiếc khóa kéo. Mối liên hệ với lịch sử khiến áo khoác da bỗng trở thành phiến giáp cho con người khi bắt đầu những gì mới mẻ. Từ bầu trời vinh quang, chiếc xe đua đầu tiên cho tới từng chuyến thám hiểm và cả chiến hào rực lửa, áo khoác da luôn xuất hiện để kể những câu chuyện riêng tư và độc đáo nhất.

Đó dường như cũng chính là lý do mà mỗi gã trai khi chọn một bước phát triển, một chương mới trong cuộc đời mình đều đi mua một chiếc áo khoác da.Lịch sử của leather-jacket dĩ nhiên vẫn còn cả một chặng đường dài để viết tiếp, thế nhưng sự đam mê của nhân loại nói chung và thời trang nói riêng với thứ phối ngẫu đẹp đẽ giữa chất liệu cổ điển và ngôn ngữ thiết kế độc đáo này vẫn sẽ luôn là vô hạn.

Áo khoác da: Từ chiến bào vinh quang tới biểu tượng của những gã trai nổi loạn 11

Giám đốc sáng tạo của nhà mốt lừng danh Saint Laurent – Anthony Vaccarello xuất hiện với chiếc áo da trên Vogue tháng 3-2018

Một thứ trang phục nói lên cá tính của người mặc sẽ luôn có những fan trung thành, vậy nên trong bất cứ giai đoạn nào của lịch sử, chiếc áo khoác da sẽ vẫn được những người bình thường và nổi tiếng chọn khoác lên mình thay cho tuyên ngôn độc đáo và duy nhất của bản thân.

Còn tuyên ngôn đó là gì? Câu trả lời có lẽ mỗi người sẽ tự tìm ra sau khi sở hữu chiếc áo khoác da đầu tiên của mình!

Follow Us on