Tìm kiếm
Close this search box.
EN

Từ điển xa xỉ

Đồng hồ lịch vạn niên: Ngàn năm thu lại trên tay một ngày

KỲ 2
 Ở kỳ trước, chúng ta đã điểm qua một số loại đồng hồ có chức năng lịch cơ bản như Date (lịch ngày), Day/Date (lịch thứ/ngày), Complete Calendar (lịch hoàn thiện) và Weekly Calendar (lịch tuần).
 
Kỳ này, chúng ta sẽ đi sâu hơn với siêu chức năng Perpetual (lịch vạn niên) và Secular Perpetual (lịch vạn niên vĩnh cửu). Bạn đã chuẩn bị tinh thần cho cơn đau đầu cùng với các nghệ nhân đồng hồ chưa?

Vì sao Tháng Hai chỉ có 28 ngày?

Nghệ thuật chế tác đồng hồ, tính từ khi ra đời, đã luôn song hành với khoa học thiên văn.

Giờ giấc và ngày tháng được tính dựa trên hai hiện tượng: Trái Đất tự xoay quanh trục của nó và chuyển động của Trái Đất quanh Mặt Trời. Chính hai hiện tượng này quyết định độ dài của một ngày, độ dài của một mùa và độ dài của một năm.

Nhờ thiên văn học, chúng ta biết rằng, mỗi một hành trình xoay quanh Mặt Trời của Trái Đất kéo dài 365,242 ngày. Để dễ hình dung, con số sẽ là 365 ngày, 5 giờ, 48 phút và 45 giây. Quả là một chuyến đi dài và cần mẫn! Thế nhưng, một năm lại chỉ có 365 ngày mà thôi. Kết quả là, người ta đã bù 1/4 ngày còn thiếu trong chuyến đi của Trái Đất bằng các năm nhuận: cứ 4 năm lại có một lần. Theo mệnh lệnh của Hoàng đế Julius Caesar, nhà thiên văn người Hi Lạp Sosigenes đã dựa trên hệ thống lịch Ai Cập cổ đại để đưa ra khái niệm năm nhuận.

Các hoàng đế La Mã nhìn chung đều nổi tiếng chơi trội. Do sinh vào tháng Bảy, để thần dân La Mã có thêm thời gian ca tụng mình, Caesar lấy một ngày của tháng Hai chuyển sang tháng Bảy.

Đồng hồ lịch vạn niên: Ngàn năm thu lại trên tay một ngày 1

Trái đất quay xung quanh Mặt trời trong hành trình kéo dài 365, 242 ngày

Sau Caesar, Hoàng đế Augustus, người có sinh nhật trong tháng Tám, tiếp tục lấy đi một ngày nữa từ tháng Hai sang tháng Tám. Từ đó, Tháng Hai vẻn vẹn chỉ có 28 ngày. Như vậy, lịch La Mã (Julian Calendar) tính tổng cộng một năm có 365,25 ngày.

Tuy nhiên, như đã nói, Trái Đất xoay quanh Mặt Trời trong một hành trình kéo dài 365,242 ngày. Điều này đã khiến Giáo hoàng Gregory XIII cho tính lại lịch vào năm 1582. Công lịch (Gregorian Calendar) mà chúng ta hiện dùng ra đời.

Theo đó, Công lịch tính một năm có 365,2425 ngày bằng cách thay đổi cách tính năm nhuận. Bên cạnh các năm nhuận cứ 4 năm lại có một lần như lịch La Mã, thì cứ mỗi 100 năm, các năm kết thúc bằng 00 và không chia hết cho 400 không phải là năm nhuận! Ví dụ: các năm 1600, năm 2000 là năm nhuận; nhưng các năm 1700, 1800, 1900 lại không phải.

Ngàn năm thu lại trên tay

Năm nhuận chính là nỗi khổ sở của đồng hồ. Với một chiếc đồng hồ có chức năng lịch cơ bản đã kể ra ở kỳ trước, người đeo sẽ phải tự tay chỉnh lịch 5 lần một năm, một lần một năm, hay đỡ nhất là 4 năm một lần (cứ mỗi 1461 ngày).
 
Làm thế nào để người đeo rảnh tay hơn? Câu trả lời là cơ chế lịch vạn niên. Hai cái tên đặt nền móng cho cơ chế siêu phức tạp này không ai khác là các thiên tài Abraham Louis Breguet và Thomas Mudge. Hai ông là tác giả của những chiếc đồng hồ lịch vạn niên đầu tiên được biết đến cho đến nay. Bản thân Mudge còn là một nhà thiên văn học, ông cũng là người phát minh ra cơ chế hồi đòn bẩy (lever escapement) cho đồng hồ bỏ túi. Còn Breguet thì khỏi nói, ông có một danh sách dài những phát minh, trong đó có lồng xoay triệt tiêu trọng lực: Tourbillon.

Đồng hồ lịch vạn niên: Ngàn năm thu lại trên tay một ngày 3

Vacheron Constantin Overseas Perpetual Calendar Ultrathin với cơ chế lịch vạn niên

Đồng hồ lịch vạn niên: Ngàn năm thu lại trên tay một ngày 5

Patek Philippe Perpetual Calendar Grand 5140R

Cơ chế lịch vạn niên hoạt động như thế nào?

Dựa trên cách tính năm nhuận của lịch La Mã, một đồng hồ lịch vạn niên “biết” nhảy đúng các ngày 28 (hoặc 29 nếu là năm nhuận) của tháng Hai, ngày 30 của tháng Tư, tháng Sáu, tháng Chín, tháng Mười Một và ngày 31 của tháng Một, tháng Ba, tháng Năm, tháng Bảy, tháng Tám, tháng Mười và tháng Mười Hai. Người đeo đồng hồ lịch vạn niên gần như không cần tùy chỉnh ngày, lần tùy chỉnh gần nhất sẽ là cuối năm 2100.

Làm được điều đặc biệt này, calibre máy có cơ chế bánh răng cơ khí đặc biệt phức tạp. Bánh răng thường có 48 nấc. Độ dài khác nhau của mỗi nấc bánh răng sẽ tương tác với một đòn bẩy tương ứng, đòn bẩy này quyết định khi nào đĩa hiển thị ngày sẽ nhảy đến ngày đầu tiên của tháng mới.

Các nhà chế tác đồng hồ lịch vạn niên nổi tiếng phải kể đến như Vacheron Constantin với Overseas Perpetual Calendar Ultrathin, Patrimony Perpetual Calendar Ultrathin, Traditionelle Grandes Complications; hay Patek Philippe với ref. 5270P, ref. 5208P, ref. 5550P (chiếc Patek Philippe lịch vạn niên đầu tiên dùng calibre máy 240 Q, với bộ thoát, bánh xe cân bằng, nĩa pallet, nhíp cân bằng làm từ silicon). Mách nhỏ các nhà sưu tập: một trong những huyền thoại của chức năng lịch vạn niên mà giới mộ điệu khao khát là chiếc Patek Philippe Perpetual Calendar Grand 5140R.

Dòng 5140 hiện chỉ được chế tác với phiên bản vỏ platinum, mặt đen hoặc ghi xám. Patek Philippe cũng chỉ duy trì việc chế tác phiên bản này trong một khoảng thời gian ngắn. Chính vì thế, hiện tại là cơ hội để sưu tầm mẫu đồng hồ lịch vạn niên huyền thoại.
 
Hãng thay thế dòng 5140 bằng dòng 5327 mới, cũng với chức năng lịch vạn niên. Dòng 5327 cùng sử dụng Caliber 240Q, giống như các huyền thoại đi trước 5140 và 3940.

Lịch vạn niên vĩnh cửu

Như đã nói ở trên, cứ mỗi 100 năm, các năm kết thúc bằng 00 và không chia hết cho 400 không phải là năm nhuận và theo hệ lịch La Mã, đồng hồ lịch vạn niên không tính được những năm này. Để giải quyết vấn đề, cơ chế Secular Perpetual Calendar (lịch vạn niên vĩnh cửu) tính năm nhuận dựa trên Công lịch, đã ra đời. Secular Perpetual Calendar là cơ chế siêu phức tạp. Đồng hồ có chức năng Secular Perpetual Calendar cực hiếm và là niềm tự hào của bất cứ nghệ nhân, hãng sản xuất nào. Chúng hiếm đến độ khó điểm tên kín hai bàn tay.

Trong danh sách nhỏ này ta có chiếc Andersen Genève Perpetuel Secular Calender, chế tác năm 1996, của hãng độc lập Andersen Genève. Hay nổi tiếng nhất là Patek Philippe Calibre 89. Chiếc đồng hồ bỏ túi siêu chức năng ra mắt năm 1989, đánh dấu mốc kỷ niệm 150 năm thành lập hãng và gần đây nhất vừa được trưng bày tại triển lãm Patek Philippe Grand Exibition 2019 tại Singapore.

Đồng hồ lịch vạn niên: Ngàn năm thu lại trên tay một ngày 7

 Patek Philippe Calibre 89 với cơ chế Secular Perpetual Calendar siêu phức tạp

Follow Us on