Góc nhìn
“Luxury” có phải là một phong vũ biểu về địa vị và phong cách sống của giới thượng lưu?
Đã tồn tại trong lịch sử loài người từ hàng nghìn năm trước, “Luxury” hay “sự xa xỉ” luôn là một khái niệm gây tranh cãi. Nó thay đổi theo thời gian và dường như biến thiên trong sự nhìn nhận của mỗi con người. Elite magazine hân hạnh được gặp gỡ và nói chuyện với ông Richard Le Sand, một nhà thiết kế tài hoa người Pháp nhân dịp khai trương bộ sưu tập nội thất sơn mài mới của ông và Hanoia tại Hà Nội.
Elite: Xa xỉ là không phải là một khái niệm dễ định nghĩa. Với người này, xa xỉ là phạm trù cảm xúc. Với người khác, xa xỉ có thể là chất lượng vượt trội, là sự đắt đỏ, hay là sự độc đáo, duy nhất. Vậy với ông, xa xỉ là gì?
Richard Le Sand: “Luxury” đã trải qua một hành trình rất dài trong lịch sử, từ các nền văn minh Inca, Maya, Aztec, đến Ai Cập cổ đại, La Mã, Hy Lạp; từ Ba Tư, Trung Quốc đến Nhật Bản và Châu Âu. Trên thực tế, mỗi xã hội trên trái đất này đều có một khái niệm về sự xa xỉ mà thể hiện bề ngoài có thể khác nhau, nhưng ẩn sâu bên trong nó đều là động cơ thúc đẩy sự sang trọng và sáng tạo. Trong những xã hội chuộng đồ xa xỉ, sự xa xỉ được xem như một phong vũ biểu về địa vị và phong cách sống của giới thượng lưu khiến biết bao người thèm khát và ngưỡng mộ. Ở thời hiện đại, xa xỉ đôi khi được định nghĩa là những thứ con người không với tới được, hoặc không thể mua được, ví dụ như tình cảm, hay thời gian.
Với tôi, khái niệm xa xỉ liên quan mật thiết đến không gian và thời gian. Chúng ta luôn trong công cuộc đuổi bắt thời gian. Chúng ta làm đủ mọi cách, nỗ lực hết mình để khiến thời gian quay trở lại. Bởi vậy, thời gian là thứ xa xỉ tột cùng trong thời đại của chúng ta. Không gian cũng vậy, một không gian đẹp luôn mang đến những cảm xúc tích cực, cho dù đó là một ngôi nhà hay một cảnh quan thiên nhiên rộng lớn. Chúng ta luôn cảm thấy hạnh phúc trong những không gian ấy và cảm xúc đó chính là sự xa xỉ.
Elite: Tại sao trong mắt mỗi người, xa xỉ lại có một màu sắc riêng? Liệu nền tảng văn hóa có ảnh hưởng đến cách nhìn nhận này không?
Richard Le Sand: Vâng, xa xỉ có rất nhiều màu sắc và gương mặt khác nhau, bởi vậy, bất cứ ai cũng có thể đưa ra một định nghĩa riêng của họ về sự xa xỉ. Một số đồ vật có thể dễ dàng nhận biết là xa xỉ, trong khi còn có những thứ xa xỉ khác tinh tế hơn nhiều, giống như cái đẹp trong con mắt của mỗi người không hề giống nhau. Điều đó phụ thuộc vào việc họ theo chủ nghĩa vật chất hay chủ nghĩa tinh thần, nói một cách khác chính là nền tảng văn hóa và điều kiện sống của họ. Tuy nhiên, tôi có cảm giác rằng cho dù cách tiếp cận với phạm trù xa xỉ của mỗi người khác nhau, nhưng xa xỉ luôn là cái gì đó mà bạn phải mất công mất sức để có được, như một phần thưởng cho chính bản thân mình.
Elite: Với hơn mười năm sinh sống và làm việc tại châu Á, ông đánh giá thế nào về quan niệm xa xỉ giữa các quốc gia châu Á và châu Âu?
Richard Le Sand: Giữa châu Âu và châu Á có một khác biệt rất lớn về quan niệm xa xỉ, xuất phát từ những điều kiện lịch sử. Người châu Âu tiếp cận với đồ xa xỉ trước người châu Á rất nhiều, vậy nên, khi xa xỉ đối với người châu Âu là được sở hữu một cái gì đó đẹp và tinh tế, mang tính nghệ thuật cao thì với người châu Á, xa xỉ vẫn là cách thể hiện sự giàu có và địa vị trong xã hội.
"Với tôi, khái niệm xa xỉ liên quan mật thiết đến không gian và thời gian."
Elite: Quan niệm về xa xỉ có thay đổi theo thời gian?
Richard Le Sand: Luxuria trong tiếng Latin có nghĩa là thừa thãi và ngông cuồng. Thời trung cổ, xa xỉ là những gì thể hiện sự giàu có và địa vị cao trong xã hội, nhưng cũng là một hình thức tội lỗi của sự nuông chiều bản thân theo quan niệm của đạo Cơ đốc giáo. Thời Phục hưng, với sự xuất hiện của cuộc cách mạng ngân hàng cho phép xuất nhập khẩu hàng hóa từ khắp nơi trên thế giới, xa xỉ là những món đồ quý đến từ các quốc gia châu Á như gia vị, đường, thuốc nhuộm, quần áo… Tiếp đó, sự gia tăng của các nhà công nghiệp giàu có dẫn đến việc hình thành tầng lớp trung lưu, những người thèm khát đồ xa xỉ thực sự và sẵn sàng sử dụng những phiên bản sao với mức giá phải chăng, khiến tầng lớp quý tộc không khỏi lo lắng về sự đánh đồng giữa họ với giới trọc phú.
Ngày nay, xa xỉ không còn là biểu tượng của sự giàu có. Trong xa xỉ có tính độc quyền, có sự độc đáo. Xa xỉ là cơ hội trải nghiệm những kỹ thuật mới, những phương pháp mới chưa từng có trước đó. Ví như người ta mua một chiếc đồng hồ không bởi vì cái tên của thương hiệu và địa vị xã hội mà nó đại diện, mà bởi quá trình chế tác tinh xảo góp phần tôn vinh nghệ thuật thủ công của những tác phẩm này.
Elite: Ông dự đoán gì về khái niệm xa xỉ trong tương lai?
Richard Le Sand: Chắc chắn là một cái gì đó ít phô trương hơn nhưng mang tính độc quyền cao hơn (phiên bản cực kỳ hạn chế) và ẩn chứa bên trong những giá trị trân quý nhất của nghề thủ công truyền thống; cái gì đó được bắt rễ từ thời xưa cũ nơi chúng ta có thể sống chậm và thư thái hơn.
Elite: Xa xỉ trong công việc với ông là gì?
Richard Le Sand: Là việc sử dụng những chất liệu độc đáo và cao quý, là kỹ thuật thủ công xuất chúng.
Elite: Nét xa xỉ của Hanoia, thương hiệu mà ông cộng tác cùng là gì?
Richard Le Sand: Là tinh hoa sơn mài Việt. Tôi đặc biệt ấn tượng với quy trình chế tác sơn mài của Việt Nam. Trung Quốc, Nhật Bản và Việt Nam là ba nước trên thế giới làm chủ được kỹ thuật sơn mài. Hanoia đã kết hợp bí quyết thủ công truyền thống với những kỹ thuật mới để đưa sơn mài Việt ra thế giới.
Xin cám ơn ông!