Tin vắn
Le Smoking –
Biểu tượng nữ quyền
Cuộc Cách mạng bình đẳng giới
Năm 1966 khi xã hội phương Tây vẫn tồn tại những thành kiến về việc nữ giới mặc âu phục, Yves Saint Laurent trình làng mẫu thiết kế “Le Smoking” trong bộ sưu tập Thu Đông 1966/1967 gây náo loạn ngành công nghiệp may đo quốc tế. Mẫu thiết kế số #262 lấy phom suit của nam để mặc lên người nữ giới, tạo ra một cuộc tranh cãi gay gắt về chuẩn mực giới tính lúc bấy giờ. Hẳn nhiên, trong thời điểm khi phụ nữ đang bắt đầu đấu tranh đòi bình quyền, việc xuất hiện một mẫu trang phục không-phải-váy dành cho phái đẹp cũng giống như lớp áo giáp chiến binh, tiếp thêm sinh khí cho tư duy bình đẳng của một nửa xinh đẹp của thế giới.
Bức hình nổi tiếng của nhiếp ảnh gia Helmut Newton chụp người mẫu mặc bộ Le Smoking trên Vogue Pháp năm 1975
Khiêu khích và gợi cảm
“Le Smoking” là tên gọi cho bộ vest cao cấp (tuxedo) đầu tiên dành cho nữ giới của Yves Saint Laurent. Một thiết kế hoàn toàn nam tính, mạnh mẽ nhưng vẫn ôm sát để có thể khoe đường cong cơ thể đầy quyến rũ. Tuy ấn tượng là thế, nhưng mãi đến năm 1975 khi nhiếp ảnh gia Helmut Newton ghi lại khoảnh khắc một nữ người mẫu tóc vuốt ngược, mặc “Le Smoking”, tay cầm điếu xì gà cháy dở trên đường Aubriot của Paris về đêm, mới thực sự tạo ra một cá tính chuyên biệt cho tuyệt phẩm để đời nhà YSL. Bức ảnh đăng trên tạp chí Vogue Pháp xoá nhoà lằn ranh giới tính, khiêu khích gợi tình, nổi loạn nhưng vẫn quyến rũ kín đáo, tạo nên tính biểu tượng rất “chic” cho bộ “Le Smoking” kinh điển.
NTK Yves Saint Laurent với phiên bản mới của Smoking trong show diễn couture cuối cùng vào năm 2002. Bức ảnh ghi lại khoảnh khắc ông cùng dàn người mẫu mặc Le Smoking trước khi ông chia tay với thế giới thời trang.
Nữ diễn viên người Pháp Catherine Deneuve với thiết kế Le Smoking của Yves Saint Laurent trong BST POP Art năm 1966.
Phong cách là mãi mãi
Ngay cả khi phụ nữ hiện đại đã diện âu phục hằng ngày, “Le Smoking” vẫn có một ý nghĩa đặc biệt trong tủ đồ phái nữ. “Đối với nữ giới, “Le Smoking” là phần quan trọng để cô ấy tìm thấy chính mình trong thời trang. Bởi lẽ nó mang giá trị về phong cách, chứ không phải về xu hướng. Xu hướng đến rồi đi, còn phong cách thì trường tồn bất diệt”, Yves Saint Laurent giải thích nhiều lần với báo giới. Hẳn nhiên, việc một quý cô dám “cả gan” mặc suit thay vì đầm, thách thức các chuẩn mực xã hội, cho thấy phần tính cách mạnh mẽ, tự do và phóng khoáng, thứ mà thời trang có thể giúp họ phục sức và lột tả cá tính ra bên ngoài, theo cách đẹp và xa xỉ nhất có thể.
Quyền lực phái đẹp
Cùng với Little Black Dress của Coco Chanel, hay Bar Suit của Christian Dior, Le Smoking đã trở thành biểu tượng thời trang bất diệt. Bạn đời của Yves Saint Laurent – Pierre Berge từng nhận định: “Nếu Coco Chanel giải phóng phụ nữ, thì Yves Saint Laurent chính là người đã trao cho họ quyền lực”. Trong suốt lịch sử hơn một nửa thế kỷ, Le Smoking được biến tấu trong từng mùa thời trang để mang trong mình hơi thở của thời đại, nhưng vẫn khẳng định vẻ đẹp nữ tính, gợi cảm không nhất thiết phải đến từ các thiết kế mềm mại hay phô bày da thịt. Đó là vẻ đẹp bất biến với thời gian!