Xu Thế
Nơi con đường di sản rẽ ngang giao lộ Đông - Tây
Kể từ những chuyến du hành đầu tiên của nhân loại, phương Đông huyền bí đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận đối với phương Tây. Với nền văn hóa đa dạng và phong phú được bồi đắp qua hàng ngàn năm lịch sử, Châu Á dần hiện hữu trong văn thơ, phim ảnh, thời trang và cả nghệ thuật châu Âu – theo những cách phong phú và bất ngờ nhất.
Lalique: Tượng Phật, Cá Koi và những điển tích trên pha lê
Nhắc đến pha lê và nghệ thuật tạo hình thủ công cao cấp trên thủy tinh thì Lalique – thương hiệu 130 năm tuổi tới từ nước Pháp hoa lệ chính là một trong những cái tên hàng đầu. Với tinh thần sáng tạo bền bỉ không mệt mỏi, đi kèm với đó là sự nghiêm túc và kiểm soát khắt khe từng công đoạn thiết kế và tạo hình, Lalique gây ấn tượng bằng những tạo tác mang đậm cảm hứng từ thời kỳ Cổ đại Châu Âu và những nghệ thuật hội họa dân gian Nhật Bản.
Một trong những tạo tác nổi tiếng nhất của Lalique được ra đời từ khoảng năm 2008 trở lại đây chính là bức tượng Phật pha lê được chế tác bởi nghệ sĩ Geogre Lam, mô phỏng theo phiên bản nổi tiếng ở chùa Kotoku-in, Kamakura, Nhật Bản. Đây là phiên bản đặc biệt, chỉ được phát hành giới hạn với 388 bức và được giới săn lùng các tác phẩm nghệ thuật trên toàn thế giới săn đón nồng nhiệt.
Nét thanh tĩnh, an nhiên của tuyệt tác pha lê này tỏa ra một hào quang đẹp đẽ, lột tả nét từ bi của Đức Phật qua những đường nét được tạo hình hoàn toàn thủ công.
Trên nền chất liệu pha lê cao cấp châu Âu, biểu tượng của Phật giáo Á Đông hiện lên như thể vẫn đang ở giữa những chùa chiền, núi non Nhật Bản, biến căn phòng khách của thân chủ thành một chốn tự tại mà trang nghiêm.
Bức tượng Phật pha lê của Lalique được sơn tay bởi nghệ sĩ Geogre Lam
Tháng Một vừa qua, Lalique đã trân trọng giới thiệu tới người yêu nghệ thuật chế tác pha lê trên toàn thế giới bộ sưu tập Xuân-Hè 2019 của mình mang tên Aquatique – trong khung cảnh an nhiên, tự tại của nhà triển lãm, biệt thự The Pagoda nơi góc đường 48 rue de Courcelles – Paris 8.
Bộ sưu tập Aquatique gây ấn tượng mạnh mẽ với những vật phẩm tiêu biểu như chiếc bình Poissons Combattants hay Capre Koi. Sắc xanh lục bảo và màu trắng sữa trên chiếc bình Poissons Combattants trở thành phông nền cho một trận chiến sinh động của những con cá Xiêm rực rỡ; trong khi đó phúc thần của người Nhật Bản – những chú cá Koi – lại gây ấn tượng mạnh mẽ khi tham gia vào hành trình vĩ đại, vượt con xoáy nước để vươn mình hóa rồng như điển tích cổ đại. Cá Xiêm hay cá Koi cũng xuất hiện trong những tác phẩm pha lê với thần thái sinh động, hoàn thiện tới từng đường nét tỉ mỉ ở chân vảy hay chiếc vây lưng.
Đây là những tác phẩm thể hiện rõ nét sự đam mê của Lalique với thị trường Châu Á khi chuyển thể những sinh vật và câu chuyện văn hóa phương Đông vào tác phẩm mang chất liệu phương Tây của mình. Nắm bắt hồn của nước và pha lê, những nghệ nhân của Lalique đã tạo nên đồ hình của nước, lột tả vẻ đẹp siêu thực trong những chuyển động phi phàm, đồng thời tiếp tục thể hiện tình yêu và niềm đam mê của thương hiệu này tới những điển tích và biểu tượng của phương Đông.
Trái cầu duyên Temari và những tuyệt tác sơn mài Hermès
Khởi nguồn từ nước Pháp hoa lệ, Hermès đã luôn được biết tới như là thương hiệu của dây xích, yên cương và lưng ngựa. Trải qua lịch sử huy hoàng phát triển, các “métier” của nhà Hermès dần được ra đời và thay phiên nhau vươn tới đỉnh cao trong mọi lĩnh vực mà chỉ cần kể sơ sơ, chúng ta đã có túi Birkin, khăn Carré hay nước hoa Terre D’Hermes.
Đồng hồ Hermès Arceau Temari với mặt số lấy cảm hứng từ trái cầu kết tay Nhật Bản
Những cỗ máy Haute Holorgeries đón chào “Năm của Lợn”
Như một thông lệ đẹp hàng năm, các thương hiệu cao cấp đều có những sản phẩm ra mắt nhân dịp kỷ niệm Tết Âm Lịch nhằm biểu đạt sự trân trọng tới những giá trị văn hóa truyền thống từ phương Đông huyền bí. Những thương hiệu đồng hồ Thụy Sĩ hàng đầu thế giới do đó cũng “ăn Tết Âm”, và tiếng pháo hoa khai màn sớm cho năm Hợi 2019 chính là hai chiếc đồng hồ tuyệt đẹp từ Vacheron Constantin và Chopard.
Bổ sung vào BST 12 con giáp mà Chopard đã khởi tạo từ lâu nay chính là chiếc L.U.C XP Urushi Year of the Pig. Nghệ thuật sơn mài Urushi cổ xưa của Nhật Bản là điểm bắt đầu cho chiếc đồng hồ L.U.C XP Urushi Year of the Pig. Tượng trưng cho sự hào phóng, nhân ái và vui vẻ, con giáp này mang một khuôn mặt tươi tắn trên mặt số, với trái tim là bộ chuyển động L.U.C siêu mỏng: calibre 96.17-L.
Sơn mài Nhật Bản đã có một lịch sử vang dội và nổi tiếng khắp thế giới, đến mức nếu như cái tên China có nguồn gốc từ “gốm sứ Xương Nam” thì từ “japanning” đã được sử dụng để chỉ nghệ thuật sơn mài xứ Phù Tang. Tuy nhiên, ở chính quê hương của “japanning” thì sơn mài còn có tên là “Urushi”, dựa trên tên của cây Sơn – nguyên liệu chính cho kỹ nghệ sơn mài nước Nhật. 88 mặt số của phiên bản giới hạn này được hoàn thiện bởi con mắt tinh tường của Nghệ nhân bậc thầy Kiichiro Masamura, kho báu sống của Quốc gia ở Nhật Bản, người truyền đạt nghệ thuật sơn mài giỏi nhất đất nước này.
Trong khi đó, nghệ thuật chạm lộng (kỹ thuật tạo hình bằng cách cắt thủng nền để chừa lại hình trang trí) được Vacheron Constantin chọn làm sự kết hợp văn hóa thú vị để kỷ niệm Tết Âm lịch 2019. Nguồn cảm hứng của phiên bản Métiers d’Art Year of the Pig chính là kỹ thuật chạm lộng cổ truyền của Trung Hoa Jianzhi kết hợp với bộ môn nghệ thuật có ít nhiều nét tương đồng tới từ Thụy Sĩ – Scherenschnitt, như một cách vinh danh những người thợ thủ công tài hoa tới từ cả hai nền văn hóa Đông – Tây.
Đồng hồ L.U.C XP Urushi Year of the Pig là cách Chopard ăn Tết kiểu Á Đông
Họa tiết hoa đào và chim én, biểu tượng của mùa xuân được khắc trên mặt số bằng kỹ thuật khắc axit (hay là một kỹ thuật khắc sử dụng axit để tạo rãnh) trên bề mặt kim loại. Sau khi đã tạo hình xong, người nghệ nhân tiếp tục hoàn thiện bằng kỹ thuật khắc nổi với độ nhấn khác nhau để tạo độ sâu của khuôn hình, tạo nên một bức tranh như đang trôi trên mặt số.
Sau đó đến khâu tráng men Grand Feu (lửa lớn), một kỹ thuật cổ xưa chỉ còn được bảo tồn bởi một số rất ít nghệ nhân. Bằng cách đổ men vào các lớp tuần tự, chuyên gia tráng men làm tăng độ đậm cho mặt số màu xanh hoặc màu đồng đỏ. Sau khi đã đạt được màu sắc ứng ý về sắc độ, mặt số tiếp tục được nung ở nhiệt độ 800-900 độ Celsius. Khâu cuối cùng, chú lợn xinh xắn bằng vàng hoặc platinum sẽ được chạm khắc bằng tay và đưa một cách tinh tế lên mặt số.
Có thể nói, vẻ đẹp phương Đông huyền bí và những kỹ thuật bí truyền tự ngàn xưa của châu Á chính là chất xúc tác và là nguồn cảm hứng bất tận để tạo ra những kiệt tác mang sắc màu Tây phương. Ngay giữa giao lộ Đông – Tây ấy, điểm gặp gỡ chính là những sáng tạo vô tận và tài hoa bậc thầy của con người trên con đường tạo nên di sản.